GMS 6 – Tìm kiếm động lực tăng trưởng kinh tế mới

(VOV5) - Diễn đàn Thượng đỉnh Kinh doanh GMS 2018 nhân lên sức mạnh của GMS trong những nỗ lực hội nhập và phát triển. 

Diễn đàn Thượng đỉnh Kinh doanh GMS, Diễn đàn lần đầu tiên được tổ chức và cũng là Diễn đàn quốc tế lớn nhất trong năm 2018, với 2.000 đại biểu tham dự do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Ngoại giao phối hợp tổ chức, khai mạc hôm nay tại Hà Nội.

Phát biểu tại phiên khai mạc Hội đồng kinh doanh GMS sáng 30/3, Chủ tịch Phòng thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc khẳng định trải qua 25 năm kể từ khi chương trình hợp tác kinh tế GMS được khởi động, với sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), khu vực này đã đạt được nhiều thành tựu. Tuy nhiên, GMS vẫn đang là vùng trũng của sự phát triển trong tương quan so sánh với ASEAN, châu Á và thế giới, xét cả trên bình diện GDP trên đầu người, kết cấu hạ tầng, khả năng công nghệ, tài chính và chất lượng nguồn nhân lực... Chủ tịch Vũ Tiến Lộc cho rằng: Trước yêu cầu của giai đoạn phát triển mới, cả cơ hội và thành thức đổi mới GMS đều vô cùng lớn. Thách thức lớn nhất của các nền kinh tế GMS về chất lượng thể chế và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là phải vươn tới chuẩn mực quốc tế để có thể kết nối vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Động lực của sự phát triển trong khu vực GMS trong thời gian tới sẽ phải là tinh thần khởi nghiệp, là sự phát triển của khu vực doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, khu vực doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ...

Chủ tịch Vũ Tiến Lộc hy vọng cùng với những sáng kiến, chương trình, dự án để thúc đẩy kết nối khu vực, thuận lợi hóa thương mại đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững... , với niềm tin vào sự hợp tác và chia sẻ giữa các quốc gia GMS theo tinh thần “chung một dòng sông”, Diễn đàn Thượng đỉnh Kinh doanh GMS 2018 nhân lên sức mạnh của GMS trong những nỗ lực hội nhập và phát triển. 

GMS 6 – Tìm kiếm động lực tăng trưởng kinh tế mới - ảnh 1 Ảnh: Quỳnh Dương

Tại Diễn đàn, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: Trách nhiệm của các doanh nghiệp trong cộng đồng GMS chính là sự tạo ra những giá trị mới mà không chỉ cho một quốc gia mà tất cả các quốc gia trong khu vực. Doanh nghiệp GMS cần tiếp tục hợp tác, gắn kết với nhau, hỗ trợ nhau cùng phát triển, tạo ra những nhóm doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh. Với vai trò là cơ quan đại diện chính phủ, tôi xin khẳng định sự ủng hộ và tạo điều kiện của chính phủ Việt Nam nói riêng và chính phủ các quốc gia GMS nói riêng đối với cộng đồng doanh nghiệp GMS và những chương trình hành động giai đoạn tới.

Khẳng định quyết tâm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp GMS trong giai đoạn mới, ông Oudet Souvanavong, Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Lào, Chủ tịch Hội đồng kinh doanh GMS cho biết: Chúng tôi cũng sẽ cung cấp vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để dảm bảo sự tham gia mạnh mẽ của họ trong GMS để họ có được sự chuẩn bị mạnh mẽ hơn và trở thành các doanh nghiệp thành công. Chúng tôi cũng dành được những thành tựu đáng kể trong thương mại, logistics và cơ sở hạ tầng với sự hỗ trợ của rất nhiều đối tác phát triển đặc biệt trong việc xây dựng nền tảng năng lực các doạn nghiệp. GSM đã bước vào thập kỷ thứ 3 của hợp tác và chúng ta đã cam kết mạnh mẽ hơn vào việc phối hợp và kết nối. GMS cũng đã thông qua kế hoạch hành động Hà Nội mới. Chúng tôi cũng kêu gọi mở rộng hơn nữa hành lang kinh tế để đảm bảo sự than gia mạnh mẽ của các quốc gia.

Diễn đàn thượng đỉnh kinh doanh GMS là hội nghị lần đầu tiên tổ chức trong khuôn khổ thượng đỉnh GMS theo sáng kiến của Việt Nam. Qua 25 năm thành lập, GMS đang mong muốn tạo nên một sức sống mới cho tăng trưởng. Diễn đàn thượng đỉnh Kinh doanh GMS lần này là dịp để tất cả các nước trong khu vực và các đối tác đánh giá các cơ hội, đặc biệt là khối kinh tế tư nhân, tìm kiếm cơ hội hợp tác cùng phát triển, thực hiện các chương trình hành động, tận dụng tốt cơ hội từ nguồn quỹ từ các đối tác của khu vực.

GMS bao gồm 6 nước Trung Quốc, Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam, là một khu vực trù phú, giàu tiềm năng, đa văn hóa, điểm kết nối giữa các nền kinh tế lớn: ASEAN, Trung Quốc, và Ấn Độ.

Sau phiên khai mạc diễn ra các phiên thảo luận chuyên đề, tập trung vào các nội dung: Quan điểm của GMS về phụ nữ khởi nghiệp và những nhà khởi nghiệp trẻ; Kế hoạch chiến lược phát triển kinh tế tư nhân…

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác