Khai mạc Hội nghị lần thứ 9, Ban chấp hành Trung ương

(VOV5) - Dự kiến, hội nghị đánh giá tín nhiệm từng Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, cũng như các chức danh khác do Trung ương bầu.

Khai mạc Hội nghị lần thứ 9, Ban chấp hành Trung ương - ảnh 1

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 9 khóa XII - Ảnh: VOV

Sáng 25/12, Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII khai mạc tại Thủ đô Hà Nội. Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị. 

Diễn ra từ 25-26/12, tại Hội nghị, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII cho ý kiến về việc quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2021 - 2026; tiến hành lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; cho ý kiến về Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2018.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Nội dung và thời gian của Hội nghị Trung ương lần này không nhiều, nhưng những vấn đề Hội nghị bàn và quyết định là rất hệ trọng. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị Hội nghị phát huy cao độ trí tuệ, tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân và đất nước, tập trung nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, cho ý kiến để xem xét, quyết định việc ra Nghị quyết vào cuối kỳ họp. 

Về việc quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2021 – 2026, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết: Công tác quy hoạch cán bộ nói chung đã được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo từ sớm và đã được đề cập ở nhiều Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng. Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 2021 - 2026 chưa phải là "làm nhân sự" cụ thể cho nhiệm kỳ tới, nhưng là một bước chuẩn bị rất quan trọng, là cơ sở cho công tác nhân sự Ban Chấp hành nhiệm kỳ XIII của Đảng. Vì thế, trong quá trình thực hiện phải hết sức thận trọng, bảo đảm đúng nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định của Đảng về công tác cán bộ, phải thật sự công tâm, khách quan, tuyệt đối không được thiên vị, cá nhân, không để lọt vào quy hoạch những người không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", có quan điểm lệch lạc, mất đoàn kết, tham nhũng, tiêu cực.

Về việc lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương đối với các Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho biết việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các thành viên lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội là một chủ trương mới, đúng đắn mà Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI về xây dựng Đảng đã đề ra, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm, đồng tình, ủng hộ.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác