Kinh tế, xã hội đất nước năm 2018 là một “bức tranh đẹp, toàn diện“

(VOV5) - Đa số các đại biểu quốc hội bày tỏ phấn khởi trước những kết quả về kinh tế, xã hội mà đất nước đạt được trong năm 2018.
Kinh tế, xã hội đất nước năm 2018 là một “bức tranh đẹp, toàn diện“ - ảnh 1Đại biểu Bế Minh Đức, Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng phát biểu. Ảnh: quochoi.vn 

Ngày 30/05, ngày làm việc thứ 9 của kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 14, Quốc hội thảo luận đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019. Phiên thảo luận được phát sóng trực tiếp trên các phương tiện thông tin đại chúng để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi.

Đa số các đại biểu bày tỏ phấn khởi trước những kết quả về kinh tế, xã hội mà đất nước đạt được trong năm 2018, với 12/12 chỉ tiêu đều đạt, 9 chỉ tiêu vượt mức Quốc hội đề ra; tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,08%, cao nhất kể từ năm 2008, thuộc nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới. Đây là niềm vui chung của cử tri cả nước.

Đại biểu Bế Minh Đức, đoàn Cao Bằng, nêu ý kiến: “Kết quả đạt được về kinh tế rất ấn tượng, chúng ta giữ vững kinh tế độc lập tự chủ, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, giữ vững ổn định chính trị giữ được môi trường hòa bình vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao rõ rệt. Trong 4 tháng đầu năm kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá… Những kết quả đạt được như cử tri đánh giá là có sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, sáng tạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các cấp các ngành và nhân dân cả nước”.

Đánh giá cao mô hình tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam thời gian qua, song các đại biểu cũng chỉ ra những sự hạn chế của các doanh nghiệp trong nước trong quá trình sản xuất sản phẩm của các doanh nghiệp nước ngoài đặt tại Việt Nam. Đại biểu Cao Đình Thưởng, đoàn Phú Thọ, cho rằng: “Đề nghị Chính phủ đánh giá thêm về đầu tư, tăng trưởng do yếu tố nước ngoài mang lại, từ đó có sự đổi mới về chính sách, phù hợp và công bằng với các doanh nghiệp trong nước. Thứ 2, về cải cách thủ tục hành chính, tuy có cắt giảm nhưng chưa thực sự thông thoáng, trong khi việc phân cấp cho chính quyền đại phương còn hạn chế. Để tạo ra sự phát triển nhanh, bền vững, đề nghị Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu trong thời gian tới phân cấp mạnh hơn nữa cho chính quyền địa phương để tăng tính chủ động linh hoạt trong việc thực hiện các dự án lớn, các công trình trọng điểm rút ngắn thời gian thực hiện để các dự án đạt hiệu quả.”        

Cũng trong phiên thảo luận, nhiều vấn đề được các đại biểu đề cập như: Giải pháp chuyển đổi hộ sản xuất kinh doanh thành doanh nghiệp hướng tới mục tiêu đến năm 2020 có 1 triệu doanh nghiệp; việc quản lý giá cả thị trường; an toàn thông tin và an ninh mạng; giải pháp bảo đảm tăng trưởng bền vững; nâng cao năng suất, chất lượng lao động; bảo đảm cân đối ngân sách nhà nước; bảo đảm trật tự, an ninh xã hội…/.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác