Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 14 khai mạc ngày 20/5

(VOV5) - Quốc hội chủ yếu tập trung phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật để thông qua 7 dự án luật.

Chiều 17/5 tại Hà Nội, Văn phòng Quốc hội tổ chức họp báo thông tin về Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 14 khai mạc vào sáng ngày 20/5 tới. Theo chương trình dự kiến, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ làm việc trong thời gian 20 ngày và sẽ họp phiên bế mạc vào ngày 14/6/2019.

Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 14 khai mạc ngày 20/5 - ảnh 1 Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 14 dự kiến khai mạc ngày 20/5/2019

Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Kỳ họp thứ 7, Quốc hội chủ yếu tập trung phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật để thông qua 7 dự án luật.

Đáng chú ý là Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia… cho ý kiến 2 nghị quyết và 9 dự án luật khác.

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng dành thời gian cho việc xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác. Trong đó có 2,5 ngày dành cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. 

Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Quốc hội sẽ thảo luận và sửa đổi những dự án Luật nào khi Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực với Việt Nam, ông Hoàng Thanh Tùng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho biết: “Quốc hội sẽ thảo luận, xem xét và thông qua theo trình tự thủ tục rút gọn, thông qua ngay tại kỳ họp này Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm và sở hữu trí tuệ. Đây là hai trong một số Luật và Bộ luật mà Nghị quyết 72 của Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP đã đặt ra yêu cầu là cần phải sớm rà soát, nghiên cứu và đề xuất để sửa đổi, bổ sung. Tại kỳ họp này thì Quốc hội sẽ sửa hai luật đó để đáp ứng những cam kết đã có hiệu lực đối với Việt Nam”. 

Tại buổi họp báo, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho biết Kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ ứng dụng phần mềm điện tử để cung cấp tài liệu, thông tin cho các đại biểu một cách thuận lợi nhất. Đại biểu chỉ cần một cái máy điện thoại thông minh là có thể tiếp nhận được thông tin.

Do kỳ họp này mới được thử nghiệm, nên vẫn chưa bỏ việc cung cấp thông tin, tài liệu bản giấy. Sau kỳ họp, đại biểu sẽ đánh giá và kiến nghị cần hoàn thiện như thế nào, từ đó sẽ có sự điều chỉnh trong kỳ họp sau. Đây là một trong những giải pháp góp phần thúc đẩy quá trình thực hiện Quốc hội điện tử.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác