Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự Cầu Truyền hình kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ

(VOV5) - Chương trình như lời tri ân của những thế hệ ngày nay đối với các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với đất nước.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự Cầu Truyền hình kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ - ảnh 1Các đại biểu bày tỏ lòng tưởng nhớ những người con ưu tú của dân tộc đã dũng cảm chiến đấu hi sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. 

Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7), tối 26/7, Cầu truyền hình với chủ đề "Dáng đứng Việt Nam" được tổ chức tại những địa danh lịch sử gắn liền với sự hy sinh bất khuất và truyền thống cách mạng của dân tộc như: Đài Tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ Bắc Sơn, Hà Nội; Đền Tưởng niệm Liệt sỹ Bến Dược, Thành phố Hồ Chí Minh; Khu Di tích Lịch sử Quốc gia 27/7, Thái Nguyên; Di tích Quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị. Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, Ban, ngành, đoàn thể Trung ương, địa phương, cán bộ lão thành cách mạng, thương bệnh binh, người có công với cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng dự các điểm cầu.

Trong Chương trình “Dáng đứng Việt Nam” cũng ôn lại bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi các thương, bệnh binh, lấy ngày 27/7 hàng năm là ngày Thương binh toàn quốc. Đồng thời, tái hiện lại Lễ mít tinh ngày Thương binh- liệt sỹ 27/7 các đây 70 năm tại xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Mỗi chương trong chương trình là một sự khát khao tìm được tên tuổi, địa chỉ các liệt sĩ nhưng mong mỏi ấy không được trọn vẹn. Trung tướng Khuất Duy Tiến, từng chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị, chia sẻ: "Năm 1972, đế quốc Mỹ nghiền nát Thành Cổ, Quảng Trị. Dưới những lớp đất hiện nay, chúng ta đi trên xác của biết bao chiến sỹ, đồng bào. Thương vong rất cao, chiến tranh khốc liệt lắm. Chỉ biết thương anh em chiến sỹ thôi".

Xen kẽ các hoạt cảnh tái hiện lịch sử và các bài ca đi cùng năm tháng, các phóng sự, phim tài liệu đã kể lại những câu chuyện về sự hy sinh quên mình của các thương binh, liệt sỹ. Từ đó thôi thúc mỗi người tiếp tục công việc đền đáp công ơn của những người con đã hiến dâng tuổi thanh xuân cho đất nước. Ông Ninh Đức Thái, ở Hà Nội, xúc động khi vừa biết thông tin đã tìm thấy hài cốt của con trai là liệt sỹ Ninh Đức Ân tại sân bay Biên Hòa, Đồng Nai: "Con tôi đã hy sinh. Muốn đi tìm và đã tìm nhiều nơi mà không được nên đã từng nhủ: “chết ở đâu cũng là quê hương Việt Nam’. Nhưng mà hôm nay không đi tìm mà được báo về là đã tìm thấy mộ của con ở Đồng Nai. Tôi rất là cảm động".

Chương trình “Dáng đứng Việt Nam” cũng truyền đi một thông điệp: Thế hệ trẻ hôm nay sẽ không quên những công lao to lớn của các anh hùng liệt sỹ, các thương bệnh binh và những người có công với cách mạng đã hy sinh cho độc lập dân tộc. Ngọn lửa của lòng yêu nước được hun đúc từ thế hệ cha ông đi trước sẽ được tiếp nối, truyền lại cho thế hệ hôm nay.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác