Mở rộng đối tượng được trợ giúp pháp lý, chủ thể tham gia trợ giúp pháp lý

(VOV5) - Luật trợ giúp pháp lý đã có hơn 10 năm thực hiện.

Đây là 2 nội dung được nhiều đại biểu góp ý khi thảo luận Dự thảo Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi) trong phiên họp Quốc hội sáng 1/6. Theo các đại biểu, về đối tượng được trợ giúp pháp lý, chính sách của Việt Nam là phải bảo vệ những người yếu thế. Tuy dự thảo đã mở rộng đối tượng yếu thế ở một số nhóm được hưởng trợ giúp pháp lý nhưng không nên yêu cầu các đối tượng này phải thuộc diện khó khăn về tài chính. Nếu quy định như vậy, trên thực tế, sẽ thu hẹp diện đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý như người có công, nạn nhân chất độc da cam.

Mở rộng đối tượng được trợ giúp pháp lý, chủ thể tham gia trợ giúp pháp lý - ảnh 1Ảnh: TTXVN 

Về việc xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý, đây là quan điểm, chủ trương nhất quán của Nhà nước nhằm thu hút sự tham gia của xã hội vào hoạt động trợ giúp pháp lý, bảo đảm tối đa quyền và lợi ích của người được trợ giúp pháp lý, đồng thời giảm gánh nặng đối với Nhà nước. Việc thu hút các tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý là cần thiết nhưng trợ giúp pháp lý đòi hỏi phải bảo đảm chất lượng, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý. Bà Nguyễn Thị Xuân, đại biểu Quốc hội tỉnh Đắc Lắk cho rằng: “Xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý là hết sức cần thiết. Theo tôi dự thảo luât nên mở rộng chủ thể tham gia trợ giúp pháp lý, đa dạng hóa các hình thức trợ giúp pháp lý để đáp ứng yêu cầu đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý cho phù hợp với từng vùng, miền. Cũng với tinh thần như vậy, dự thảo luật tiếp tục kế thừa quy định  về cộng tác viên tự nguyện tham gia các hoạt động trợ giúp pháp lý là cần thiết, nên khuyến khích các tổ chức luật sư, cá nhân khác tham gia tự nguyện hỗ trợ pháp lý cho người dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số không có đội ngũ làm trợ giúp pháp lý chuyên nghiệp. Cách làm này vừa tận dụng được trí tuệ ,trình độ và nguồn lực trong xã hội mặt khác góp phần giảm gánh nặng cho Nhà nước”.

Luật trợ giúp pháp lý đã có hơn 10 năm thực hiện. Dự kiến, sau khi chỉnh lý, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự án luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) được biểu quyết để thông qua vào cuối kỳ họp.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác