Nâng cao hơn nữa công tác quản lý, đánh giá tác động môi trường

(VOV5) - Hôm nay 5/6, Quốc hội tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

Nâng cao hơn nữa công tác quản lý, đánh giá tác động môi trường - ảnh 1

Quốc hội tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - Ảnh: Quochoi.vn

Tại đây, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã trả lời chất vấn hơn 50 đại biểu Quốc hội về vấn đề liên quan đến công tác quản lý đất đai tại các thành phố lớn; tình trạng ô nhiễm môi trường và kiểm soát hoạt động xả thải của các doanh nghiệp; các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu ở các vùng, địa phương, nhất là tại vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Trả lời đại biểu Cao Đình Thường, Đoàn Quốc hội tỉnh Phú Thọ, về nhiều dự án đầu tư và cơ sở sản xuất công nghiệp hoạt động nhưng công nghệ xử lý rác, nước thải lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, và giải pháp của Bộ Tài nguyên môi trường về vấn đề này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: "Thực trạng là có nhiều doanh nghiệp trước đây từ công tác quản lý, đánh giá tác động môi trường, giám sát thực hiện còn yếu, và năng lực đánh giá tác động môi trường vẫn còn thấp. Chúng tôi đã phân công công việc là đối với các quy mô, nguồn thải, giao cho cấp nào quản lý… Với việc nắm bắt rất rõ thực trạng này, Bộ tài nguyên môi trường đang có lộ trình để các doanh nghiệp khắc phục, đến thời điểm mà khống đáp ứng được yêu cầu thì sẽ thực hiện các biện pháp mạnh. Thậm chí là đóng cửa vĩnh viễn doanh nghiệp chứ không còn là tạm dừng đóng cửa".

Các đại biểu cũng chất vấn Bộ trưởng Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý tình trạng xả thải trực tiếp ra môi trường từ các khu công nghiệp; thực trạng, giải pháp xử lý ô nhiễm bụi, không khí ở các thành phố lớn; quản lý thị trường đất đai tại ba địa phương đang xây dựng đặc khu kinh tế.

Cũng trong sáng nay, Quốc hội bắt đầu chất vấn Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung về thực trạng thị trường lao động hiện nay, vấn đề giải quyết việc làm trong nước và đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng. Các giải pháp nâng cao chất lượng dạy nghề; dạy nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp và theo nhu cầu xã hội. Công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em; giải pháp khắc phục tình trạng bạo hành và xâm hại trẻ em.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác