Nhật Bản đặc biệt coi trọng mối quan hệ hữu nghị với Việt Nam

(VOV5) - Nhận lời mời của Nhà nước Nhật Bản, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản từ ngày 29/5 đến ngày 2/6/2018. 

Trả lời phóng vấn Phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường cho biết: Chuyến thăm là dịp để lãnh đạo hai nước bày tỏ quyết tâm đưa quan hệ  giữa Việt Nam và Nhật Bản, quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng lên một giai đoạn phát triển mới vì lợi ích của nhân dân hai nước.

Nhật Bản đặc biệt coi trọng mối quan hệ hữu nghị với Việt Nam - ảnh 1Đại sứ Nguyễn Quốc Cường  

Chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tich Trần Đại Quang diễn ra trong bối cảnh hai nước đang có nhiều hoạt động để tổ chức kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2018): "Hiện nay, cả lãnh đạo và nhân dân hai nước đều đánh giá là quan hệ hai nước Việt Nam và Nhật Bản đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, trong thời gian tới quan hệ hai nước có rất nhiều triển vọng để phát triển. Thứ nhất, quan hệ hai nước trong 45 năm qua có bước phát triển vượt bậc, là nền tảng rất quan trọng để tiếp tục phát triển quan hệ hai nước trên tất cả các lĩnh vực trong thời gian tới. Thứ hai, xuất phát từ nhu cầu lợi ích của mỗi bên. Nhật Bản có vai trò quan trọng trong đường lối phát triển đó của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Thứ ba, tôi nghĩ rằng là một điểm mới, một nền tảng mới cho quan hệ hai nước là Việt Nam và Nhật Bản đó là đã cùng nhau tích cực và đàm phán đi đến ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mở ra triển vọng mạnh mẽ hơn nữa cho 2 nước chúng ta hợp tác với nhau trong những năm tới".

Đại sứ Nguyễn Quốc Cường cho biết: Về vấn đề khu vực và quốc tế có thể nói Việt Nam và Nhật Bản chia sẻ rất nhiều lợi ích chiến lược song trùng. Việt Nam và Nhật Bản có rất nhiều quan điểm rất gần nhau trong vấn đề Biển Đông. Việt Nam đánh giá cao lập trường nhất quán của Nhật Bản ủng hộ Việt Nam trong vấn đề Biển Đông. Cả hai bên đều chủ trương, những vấn đề tranh chấp ở Biển Đông phải được giải quyết một cách hòa bình, không đe dọa, không sử dụng vũ lực dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước quốc tế về Luật Biển 1982.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác