Ông Nguyễn Thế Kỷ: Đài Tiếng nói Việt Nam đổi mới để phát triển

(VOV5) - 72 năm qua, VOV luôn là cơ quan báo chí đi đầu trong việc đổi mới, sáng tạo, điển hình là việc xây dựng mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện.

Thực hiện Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 72 năm qua, với sứ mệnh lịch sử của mình, cùng với sự đổi mới của đất nước, Đài TNVN luôn là cơ quan báo chí đi đầu trong việc đổi mới, sáng tạo, thể nghiệm và vận dụng những tư duy mới về báo chí, điển hình là việc xây dựng mô hình Cơ quan truyền thông đa phương tiện đầu tiên của cả nước bao gồm cả bốn loại hình báo chí: Báo nói, báo hình, báo điện tử và báo in. Qua đó, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của công chúng. Tuy nhiên, đối với một đất nước có khoảng gần 100 triệu dân với 54 dân tộc anh em cùng chung sống, đa tôn giáo, có quan hệ ngoại giao với gần 200 nước trên thế giới thì việc duy trì và phát triển Đài Quốc gia luôn là điều trăn trở đối với những người làm phát thanh.

Nhân kỷ niệm 72 năm ngày thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam (7/9/1945-7/9/2017), phóng viên Đài TNVN đã phỏng vấn ông Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam về hướng phát triển Đài TNVN. 

Ông Nguyễn Thế Kỷ: Đài Tiếng nói Việt Nam đổi mới để phát triển - ảnh 1
Ông Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám Đốc Đài Tiếng nói Việt Nam.

 

Nghe nội dung phỏng vấn tại đây:

Phóng viên: Thưa Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Kỷ! Ngay sau khi Cách mạng Tháng 8 thành công, Đài TNVN được thành lập theo Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đúng 11h30 phút ngày 7/9/1945, Đài TNVN cất tiếng nói của những người Việt Nam đã đứng lên làm chủ vận mệnh của mình:“Đây là tiếng nói Việt Nam….” Theo ông, danh xưng đó của Đài có ý nghĩa như thế nào trong hoàn cảnh lịch sử quan trọng ấy?

Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Kỷ: Danh xưng này trước hết nói về Đài TNVN nhưng điều quan trọng hơn đây là danh xưng của một chính thể Dân chủ Cộng hòa vừa mới ra đời, muốn tuyên bố với quốc dân đồng bào và đặc biệt là với các nước trên thế giới với nhân loại rằng: Nước Việt Nam đã ra đời và Tiếng nói Việt Nam là tiếng nói của chế độ mới của Nhà nước mới của Việt Nam. Cho nên Tiếng nói này ở thời điểm đó hết sức thiêng liêng và vô cùng trang trọng nhưng cũng hết sức gần gũi với mọi người. Danh xưng đó cho đến nay vẫn vang lên trong suốt 72 năm qua và mỗi lần danh xưng đó vang lên, mọi người đều thấy tự hào về Đài TNVN, về đất nước Việt Nam của mình.

Phóng viên: Hơn 70 năm qua, Tiếng nói Việt Nam đã luôn đồng hành cùng dân tộc, kết nối triệu triệu con tim người Việt Nam trong các cuộc kháng chiến cứu nước và công cuộc đổi mới, phát triển đất nước hôm nay. Trong chặng đường ấy, theo ông đâu là những mốc son đáng nhớ, đáng tự hào?

Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Kỷ: Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, ngày 7/9 Đài TNVN ra đời và là cơ quan báo chí đầu tiên của Nhà nước mới của chế độ mới. Sau này mới có Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan báo chí khác. Có thể nói, trong khoảng thời gian từ 40 đến 50 năm đầu tiên, kể từ 7/9/1945, đến hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, và chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc và Tây Nam của Tổ quốc thì Đài TNVN là cơ quan báo chí có sức lan tỏa, tác động đến đông đảo công chúng nhất. Bởi nhờ làn sóng Đài TNVN mà đồng bào ta ở bên kia giới tuyến, vĩ tuyến 17 vẫn nghe được tiếng nói của Bác Hồ, tiếng nói của miền Bắc, của khát vọng Độc lập-Tự do-Hòa bình thống nhất đất nước.

Lúc đó, chúng ta cũng có những tờ báo in, có Đài phát thanh Giải phóng sau này, nhưng phạm vi cũng nhỏ. Chỉ có Đài TNVN là cơ quan báo chí có sức tác động lớn nhất đến đồng bào chiến sỹ trong vùng địch chiếm. Nghe tiếng nói của Đảng, Bác Hồ, tiếng nói từ Thủ đô Hà Nội thân thương thì thắp lên một niềm tin mạnh mẽ không chỉ ở trong nước mà ra cả 5 châu.

Khi thành lập Đài theo chỉ đạo của Bác Hồ, lúc đó Đài có ban Đối nội, Đối ngoại, Ban Văn nghệ, và ngay từ buổi đầu chúng ta có phát tiếng Pháp, tiếng Anh, Quốc tế Ngữ (Esperanto), sau này mở rộng ra 12 thứ tiếng nước ngoài, 12 tiếng nói Dân tộc thiểu số trong nước. Cho nên Tiếng nói Việt Nam trong một thời kỳ rất dài là cơ quan báo chí có sức chi phối thông tin lớn nhất, rộng rãi, sâu nhất. Nó vượt cả bờ rào dây thép gai của kẻ thù đến với đồng bào, đồng chí ở miền Nam và cả ở nước ngoài.

Phóng viên: Thưa Tổng Giám đốc, thực hiện quy hoạch báo chí, nhiều cơ quan thông tin đại chúng đã tiến hành sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Mới đây, kênh Truyền hình Quốc hội đã chính thức được bàn giao từ Đài TNVN sang Văn phòng Quốc hội. Vậy ông có thể nói rõ hơn về chủ trương sắp xếp và đổi mới của VOV trong những năm tới?

Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Kỷ: Đài TNVN hiện nay là cơ quan báo chí duy nhất có đầy đủ 4 loại hình báo chí: Báo nói, có 8 kênh phát thanh quốc gia. Truyền hình chúng ta có 18 kênh truyền hình. Như vậy hiện nay số kênh truyền hình rất lớn. Và chúng ta có hai tờ báo điện tử là VOV.VN và VTC News, báo in Tiếng nói Việt Nam. Để tái cấu trúc Đài TNVN, thực hiện chiến lược phát triển Đài trong những năm tới, về tổ chức bộ máy phải làm sao để tinh gọn, hiệu quả, bớt đi đầu mối không cần thiết.

Ví dụ, trong Dự thảo Nghị định trình Thủ tướng Chính phủ, chúng ta cũng sáp nhập Trung Tâm tin-một đơn vị độc lập về Hệ Thời sự chính trị-tổng hợp, hay còn gọi là VOV1. Tới đây gọi là Ban Thời sự. Chúng ta cũng nâng cấp cơ quan thường trú của Đài ở Quảng Ninh-từ một văn phòng trực thuộc Trung Tâm Tin trở thành một cơ quan thường trú của Đài, phục vụ cho cả vùng Đông Bắc của Tổ quốc. Chúng ta đề nghị Chính phủ cho phép tái lập lại Ban Văn học Nghệ thuật. Vì Ban Văn học Nghệ thuật được thành lập từ ngày thành lập Đài và tồn tại 62 năm, chỉ cách đây 10 năm do điều kiện, hoặc cách nghĩ, quan điểm lúc đấy chúng ta đưa Ban học nghệ thuật sáp nhập với Hệ VOV2. Mọi người đều biết là đất nước Việt Nam hàng nghìn năm yêu thơ ca, yêu văn hóa nước nhà, văn học nghệ thuật. Cho nên nhu cầu văn học nghệ thuật là rất lớn trong công chúng. Cho nên mảng này cần phải tách ra thành một Ban.

Tới đây Ban Văn học Nghệ thuật cũng phải có một kênh phát thanh, truyền hình riêng để phục vụ công chúng. Phục vụ công chúng ở đây, là để thực hiện Nghị quyết Trung ương 9, khóa 11 ta hay gọi là Nghị quyết 33 về phát triển Văn hóa và con người Việt Nam, đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước trước yêu cầu mới và Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị khóa 10 về phát triển văn học Nghệ thuật. Cho nên việc tái lập lại Ban Văn học Nghệ thuật là đòi hỏi khách quan, không phải là mong muốn chủ quan trước nhu cầu công chúng đối với mảng nội dung này.

Còn kênh truyền hình Quốc hội, sau một thời gian đặt tại Đài TNVN đã được Đài chăm bẵm, vun xới. Hiện nay kênh truyền hình này đã "bén rễ, xanh cây" nên chúng ta chuyển cho Văn phòng Quốc hội, để kênh này thực hiện đúng chức năng của mình là cơ quan báo chí của Quốc hội phục vụ cho các hoạt động của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phóng viên: Trong xu thế phát thanh hiện nay, người ta nhắc nhiều đến Cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Là cơ quan tuyên truyền hàng đầu của Chính phủ, Đài TNVN đã có sự chuẩn bị thế nào để thích ứng với hoàn cảnh mới?

Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Kỷ: Do đặc điểm, lịch sử của Đài, một mặt chúng ta tận dụng các phương tiện truyền thống trước đây. Ví dụ như với phát thanh là radio, với nông thôn miền núi sử dụng loa phát thanh là rất cần thiết. Nhưng chúng ta cũng hướng đến phát thanh, truyền hình Kỹ thuật số trên nền tảng của Internet. Chúng ta cũng đưa sóng phát thanh, truyền hình lên phương tiện hiện đại như điện thoại cầm tay, mạng internet để công chúng không chỉ bằng Radio mà bằng điện thoại, máy tính, ở nơi xa có thể nghe được Tiếng nói Việt Nam, nghe được tất cả các kênh của phát thanh, các kênh truyền hình, báo điện tử, tất cả các phiên bản điện tử của báo in. Cho nên đây là hướng đi, hướng số hóa, truyền hình số mặt đất chúng ta đang đi rất nhanh. Kênh VOV Giao thông phục vụ đối tượng công chúng đông đảo, đi trên ô tô họ có thể nghe được các kênh của Đài. Đây là một hướng đi mà chúng ta phải tiếp cận. Nếu chúng ta không đi theo công nghệ mới trên nền tảng đa phương tiện, đa loại hình thì sẽ tụt hậu trong cuộc cạnh tranh với các cơ quan báo chí cả truyền thống, cả phi truyền thống, kể cả các báo chí phi chính thống như mạng xã hội.

Ông Nguyễn Thế Kỷ: Đài Tiếng nói Việt Nam đổi mới để phát triển - ảnh 2
VOV tăng cường sự trao đổi thông tin, học hỏi bạn bè quốc tế.

Phóng viênĐược biết, Tổng Giám đốc đã có nhiều chuyến công tác nước ngoài nhằm thúc đẩy hợp tác giữa Đài TNVN với các cơ quan báo chí trên thế giới. Vậy, nếu so với các Đài phát thanh trong khu vực và thế giới, Đài TNVN đang đứng vị trí nào? Đâu là thế mạnh của chúng ta và đâu là những thách thức cần giải quyết?

Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Kỷ: Chúng ta vẫn phải có một sự khiêm tốn khi nhìn về vị trí của mình, nhưng không tự ti. Năm 2016, tôi làm việc với ông Tổng Giám đốc đài phát thanh Hi Lạp, ông có nói là: sẵn sàng hỗ trợ Đài TNVN để số hóa kho băng tư liệu. Tôi có nói là: Việc này chúng tôi đã làm cách đây 10 năm, đến nay gần như công việc đó đã xong. Phía bạn rất ngạc nhiên. Tôi có nói rằng: Khi nào ông cứ sang thăm, chúng tôi đã số hóa tất cả dữ liệu và nguồn tài nguyên của chúng tôi. Chúng tôi cũng đầu tư cho phát thanh, phát thanh đi vào số hóa, công nghệ IP, truyền hình cũng đang phủ sóng truyền hình số mặt đất (DVB-T2). Hiện nay, Đài VTC của Đài TNVN đã thử nghiệm truyền hình 4K, truyền hình độ siêu nét.

Như vậy, chúng ta đã làm tương đối tốt và chúng ta cũng đã trao đổi, giao lưu với các bạn. Có những cái ta học bạn, có những cái bạn học ta. Chúng ta cũng có hỗ trợ cần thiết cho bạn Lào, Campuchia cả thiết bị công nghệ và đào tạo đội ngũ. Chúng ta hợp tác với các Đài của Nga, Đài Phát thanh Quốc gia Pháp, Đức (DW), Đài Ai cập, các Đài khu vực như Thái Lan, Indonesia; các tổ chức như Hiệp hội Phát thanh truyền hình Châu Á-Thái Bình Dương, Trung Quốc,… Tôi nghĩ là hợp tác quốc tế cũng là cách để chúng ta nắm bắt cơ hội phát triển về kỹ thuật, công nghệ và kỹ năng làm báo mới hiện đại. Qua đó, chúng ta cũng cho họ biết một đất nước Việt Nam đang đổi mới, kể cả Đài Tiếng nói Việt Nam cũng đang có rất nhiều đổi mới.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác