Phiên họp 28 Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận nhiều nội dung quan trọng

(VOV5) -Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về công tác nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch nước tại kỳ họp thứ 6 tới đây cùng nhiều nội dung quan trọng khác.

Sáng 15/10, tại Hà Nội, khai mạc phiên họp thứ 28 Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến các báo cáo về kinh tế - xã hội; cơ cấu lại nền kinh tế; chương trình mục tiêu quốc gia; Thảo luận về các báo cáo  ngân sách nhà nước, kế hoạch tài chính quốc gia, kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về công tác nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch nước tại kỳ họp thứ 6 tới đây cùng nhiều nội dung quan trọng khác. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: “Đây là phiên cuối để rà soát lại để công việc để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 6 của Quốc hội. Trong đó có nhiều nội dung phải xem xét cho ý kiến trước khi trình Quốc hội. Thời gian hạn chế chỉ có 3 ngày, đề nghị tập trung vào các vấn đề chủ yếu của nội dung phiên họp, nhất là các báo cáo về kinh tế xã hội, tài chính ngân sách để giành thời gian cho việc thảo luận.”

Trình bày, báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, cho biết kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, tạo nền tảng quan trọng để thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực và đảm bảo an sinh xã hội.

Phiên họp 28 Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận nhiều nội dung quan trọng - ảnh 1Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN 

Dự báo GDP năm 2018 có thể tăng cao hơn 6,7%. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: “Trong bức tranh chung xu thế tích cực là chủ đạo và triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2019-2020 tiếp tục khả quan, nhất là môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, niềm tin vào cải cách môi trường đầu tư kinh doanh được củng cố. Tuy nhiên cần lưu tâm đến một số rủi ro thách thức, trong đó thách thức lớn nhất là bên ngoài. Do quy mô kinh tế nước ta còn hạn chế, độ mở kinh tế lớn, hội nhập quốc tế sâu rộng, nền kinh tế sẽ chịu nhiều tác động đan xen tạo áp lực cho công tác điều hành ứng phó với các biến động trong tương lai. Trong bối cảnh sức ép về lãi suất của đồng đô la mỹ, giá dầu thô và giá cả hàng hóa thế giới.”

Cũng trong sáng 15/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Báo cáo về chính sách hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Chiều 15/10, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến các báo cáo về kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác