Quốc hội thảo luận dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)

(VOV5) -Tình hình tham nhũng khu vực ngoài nhà nước đã và đang xuất hiện, ảnh hưởng bất lợi đến các hoạt động cạnh tranh lành mạnh.

Ngày 31/05, tiếp tục ngày làm việc thứ 10, kỳ họp thứ 5- Quốc hội khoá 14, Quốc hội nghe Chính phủ giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). 

Quốc hội thảo luận dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) - ảnh 1Quang cảnh kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 14 

Sau khi nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) do Tổng Thanh Tra Chính phủ Lê Minh Khái, trình bày trước Quốc hội cho thấy nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội đồng tình với phương án mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước vì cho rằng trên thực tế, tình hình tham nhũng khu vực ngoài nhà nước đã và đang xuất hiện, ảnh hưởng bất lợi đến các hoạt động cạnh tranh lành mạnh, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh, cản trở hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng khu vực nhà nước. 

Quốc hội thảo luận dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) - ảnh 2 Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái- Ảnh quochoi.vn.

Tổng Thanh Tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết:" Dự thảo Luật quy định trách nhiệm phòng, chống tham nhũng nói chung của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp trong khu vực ngoài nhà nước; đồng thời quy định về việc áp dụng bắt buộc một số biện pháp phòng ngừa tham đối với tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ và thường xuyên huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện; đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng.

Tổng Thanh Tra Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh: "Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật ra khu vực này cũng nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng tại Kết luận số 10 ngày 26/12/2017 của Bộ Chính trị là “từng bước mở rộng hoạt động phòng chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước”; bảo đảm đồng bộ với Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định trách nhiệm hình sự của người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước về các hành vi tham ô tài sản, nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ và yêu cầu tại Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên."

Tuy nhiên, cũng còn có ý kiến cho rằng trước mắt chưa nên mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, mà tập trung nguồn lực làm tốt công tác phòng chống tham nhũng trong khu vực nhà nước. Đối với các hành vi tham ô tài sản, nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ ở khu vực ngoài nhà nước nếu đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Cũng tại phiên làm việc buổi sáng, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao.

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác