Quốc hội thảo luận dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi)

(VOV5) - Các đại biểu Quốc hội đề nghị Luật cần quy định chặt chẽ theo hướng Thủ trưởng cơ quan hành chính Nhà nước chỉ được ủy quyền cho cấp phó có liên quan đến lĩnh vực khởi kiện.

Trong phiên họp sáng 23/6, tại Hà Nội, thảo luận về dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội cơ bản đồng tình với Dự thảo Luật, trong đó quy định mở rộng thẩm quyền cho tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được xét xử sơ thẩm các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.


Quốc hội thảo luận dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) - ảnh 1
Sáng nay (23/6), Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, tập trung thảo luận về dự án Luật tố tụng hành chính sửa đổi (Ảnh: TTXVN).


 
Việc giao cho Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét xử sơ thẩm các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện sẽ bảo đảm tính khách quan, tạo niềm tin cho nhân dân. Để khắc phục tình trạng ủy quyền tùy tiện trong các phiên tòa hành chính, các đại biểu Quốc hội đề nghị Luật cần quy định chặt chẽ theo hướng Thủ trưởng cơ quan hành chính Nhà nước chỉ được ủy quyền cho cấp phó có liên quan đến lĩnh vực khởi kiện; đồng thời có chế tài đối với người được ủy quyền không chịu hợp tác với tòa án, làm cho việc giải quyết vụ án hành chính kéo dài quá hạn luật định. Để nâng cao hiệu quả việc thi hành bản án hành chính, ông Huỳnh Nghĩa, đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, góp ý: “Tôi đề nghị Ban soạn thảo nên sớm xây dựng Luật về thi hành án hành chính để đảm bảo cho bản án hành chính được thi hành nghiêm chỉnh. Trách nhiệm người đứng đầu cơ quan Nhà nước bắt buộc phải thi hành án, có thể cách chức, cho thôi việc hoặc xử lý hình sự nếu cố tình không thi hành án. Có như vậy mới bảo đảm kỷ cương, phép nước.


Các đại biểu Quốc hội cũng góp ý về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau trong Dự thảo Luật tố tụng hành chính (sửa đổi) như: Tranh tụng trong tố tụng hành chính; Địa vị pháp lý của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng hành chính; Việc bổ sung phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận và công khai chứng cứ.



Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác