Quốc hội thảo luận về dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)

(VOV5) - Việc ban hành Luật để nâng cao hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng là rất cần thiết.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, sáng 21/11, tại Hà Nội, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi).  

Đây là dự án Luật quan trọng, tác động tới nhiều mặt chính trị, đời sống, xã hội.

Các đại biểu Quốc hội nhất trí Luật phòng, chống tham nhũng hiện hành còn nhiều bất cập, lỗ hổng nên việc ban hành Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) để nâng cao hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng là rất cần thiết.

Về đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng trước mắt giữ nguyên đối tượng kê khai tài sản thu nhập hoặc thu hẹp ở mức độ hợp lý, tập trung vào các đối tượng giữ vị trí quan trọng ở Trung ương, địa phương, những khu vực có nguy cơ tham nhũng cao để đảm bảo tập trung kiểm soát có hiệu quả hơn. Bổ sung chế tài xác định trách nhiệm của cơ quan thanh tra, kiểm toán trong trường hợp các cơ quan này không phát hiện ra tham nhũng nhưng sau đó các cơ quan có thẩm quyền lại phát hiện ra tham nhũng. Tiến tới khi kiểm soát có hiệu quả thì sẽ dần mở rộng đối tượng kê khai tài sản, thu nhập tới tất cả công chức, viên chức, đảng viên, công khai tại nơi công tác, nơi cư trú để nhân dân giám sát. Đối việc mở rộng phạm vi điều chỉnh dự thảo Luật, ông Trần Tất Thế, đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam, góp ý: “Tôi nhất trí với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật ra khu vực ngoài nhà nước vì tình hình tham nhũng ở khu vực ngoài nhà nước đã xuất hiện và phức tạp, khó kiểm soát. Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật ra khu vực ngoài nhà nước là phù hợp với thông lệ quốc tế mà cụ thể là Công ước Liên hợp quốc về phòng chống tham nhũng mà Việt Nam đã ký kết. Trong Công ước này đã quy định cụ thể về phòng chống tham nhũng trong khu vực tư nhân.”

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng hành vi tham nhũng thường diễn biễn trong thời gian dài. Đa số tài sản tham nhũng bị các đối tượng nhũng tiêu xài, lãng phí, chuyển đổi dưới nhiều hình thức, nên rất khó thu hồi.

Quốc hội thảo luận về dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) - ảnh 1Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tư pháp - Ảnh: Ngọc Thành/vov.vn

Để xử lý tài sản tham nhũng sao cho hiệu quả, bà Nguyễn Thị Thủy, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn, cho rằng: “Tham nhũng là loại tội phạm đặc biệt, do đó nếu không có các thủ tục tố tụng đặc biệt, vượt lên các khuôn khổ pháp lý thông thường thì không thể xử lý được. Ngay cả các quốc gia được xem là mô hình đấu tranh chống tham nhũng hiệu quả cũng không hy vọng thu hồi hiệu quả 100% tài sản tham nhũng. Vì vậy, phải có chế tài áp dụng trong trường hợp không giải thích được nguồn gốc của tài sản, để sớm khoanh vùng và nhận diện tăng khả năng thu hồi tài sản. Thu hồi tài sản phải được tiến hành thông qua thủ tục tư pháp một cách công khai và chặt chẽ. Phải ra tòa án phán quyết chứ không phải tịch thu bằng con đường hành chính.”

Các đại biểu Quốc hội cũng đề xuất tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho đội ngũ cán bộ, lãnh đạo.  

Quốc hội thảo luận về dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) - ảnh 2 Quốc hội thông qua việc điều chỉnh lộ trình đổi mới chương trình sách giáo khoa,

Tại phiên làm việc buổi chiều, với đa số tán thành, Quốc hội thông qua Nghị quyết điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo Nghị quyết 88 của Quốc hội. Theo đó, thời hạn áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo hình thức cuốn chiếu, chậm nhất từ năm học 2020-2021 đối với cấp tiểu học, từ năm học 2021-2022 đối với cấp trung học cơ sở và từ năm học 2022-2023 đối với cấp trung học phổ thông.

Cũng trong chiều nay, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài và Luật thủy sản (sửa đổi).

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác