Quốc hội thảo luận về Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi),dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương

(VOV5) -  Đây là hai dự án luật nhằm cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về tổ chức bộ máy nhà nước.

Quốc hội thảo luận về Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi),dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương - ảnh 1
Đoàn đại biểu quốc hội các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Nam, Trà Vinh thảo luận tại tổ sáng 7/11. Ảnh: VGP

Thảo luận tại tổ sáng nay về Dự án Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi), nhiều Đại biểu Quốc hội nhất trí với quy định: “Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước”.

Về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ, một số ý kiến đề nghị phân định rõ nguyên tắc hoạt động của Chính phủ và của Thủ tướng Chính phủ cũng như của các thành viên khác của Chính phủ; quy định rõ hơn nguyên tắc làm việc tập thể của Chính phủ kết hợp với nguyên tắc cá nhân lãnh đạo; kết hợp quản lý theo ngành và theo lãnh thổ trong tổ chức hoạt động của bộ máy nhà nước.

Thảo luận về Dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương chiều nay, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng: Hội đồng nhân dân chỉ nên có ở hai cấp (tỉnh, xã) còn cấp huyện không có Hội đồng nhân dân, bởi trên thực tế việc tiếp thu các ý kiến kiến nghị của cử tri ở cùng một địa phương hầu như không khác nhau.

Các đại biểu quốc hội cũng thảo luận về đặc thù nhiệm vụ, quyền hạn, cơ chế hoạt động cũng như các chính sách ưu đãi đối với các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt; Về điều kiện, tiêu chuẩn thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính./.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác