Quốc hội thông qua nhiều dự án luật và nghị quyết quan trọng với sự phát triển của đất nước

(VOV5) - Sáng 14/6, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua một số Luật và Nghị quyết
Quốc hội thông qua nhiều dự án luật và nghị quyết quan trọng với sự phát triển của đất nước - ảnh 1 Các đại biểu Quốc hội biểu quyết tại phiên họp. - Ảnh: quochoi.vn

Sáng 14/6, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Nghị quyết phê chuẩn việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể và Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2020.

Quốc hội thông qua 4 Luật và hai Nghị quyết liên quan đến các vấn đề lớn thể hiện quyền giám sát tối cao của Quốc hội với nhiều nội dung quan trọng của đất nước. Trong đó đáng chú ý là Nghị quyết phê chuẩn việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể được Quốc hội thông qua với tỷ lệ cao… thể hiện quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam, phù hợp đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước, đặc biệt trong bối cảnh đất nước đang hội nhập kinh tế - quốc tế một cách sâu rộng. 

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng: "Hồ sơ trình Công ước số 98, Chính phủ đã có báo cáo đánh giá tác động của việc gia nhập Công ước về các mặt chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và một số thuận lợi, khó khăn đối với Việt Nam khi gia nhập Công ước. Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện Công ước, cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu các tác động của Công ước số 98 để chủ động xử lý những vấn đề phát sinh, đảm bảo thực thi Công ước một cách hiệu quả".                                    

Trước đó, với 93,60% số đại biểu tán thành, Quốc hội thông qua dự án Luật giáo dục (sửa đổi). Việc thông qua dự luật này giúp hoàn thiện mục tiêu giáo dục nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam. Đồng thời giúp nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 7 năm 2020.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác