Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết thúc chuyến thăm chính thức Vương quốc Thái Lan

(VOV5) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết đến năm 2020, Việt Nam – Thái Lan đặt mục tiêu đạt kim ngạch thương mại hai chiều 20 tỷ USD, thúc đẩy phát triển du lịch, hợp tác đầu tư mạnh mẽ hơn.

Chiều 19/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rời Nakhon Phanom về Hà Nội, kết thúc chuyến thăm chính thức Vương quốc Thái Lan từ 17 - 19/8, theo lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Prayut Chan-ocha. Trước khi rời Nakhon Phanom, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm hỏi, tặng quà tập thể giáo viên và học sinh tại Trung tâm Văn hóa hữu nghị Nakhon Phanom - Hà Nội.  Phát biểu tại đây, Thủ tướng hy vọng Trung tâm Nakhon Phanom – Hà Nội sẽ tiếp tục là cầu nối, là mái nhà chung cho những ai yêu Việt Nam, yêu tiếng Việt và văn hóa Việt Nam.

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Thái Lan sáng 19/8, tại tỉnh Nakhon Phanom, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ doanh nhân Việt kiều tại Thái Lan. Tại buổi gặp mặt, các doanh nhân Việt kiều tại Thái Lan đánh giá cao những thành tựu kinh tế xã hội đất nước thời gian qua và mong muốn hợp tác, đầu tư về quê hương trong nhiều lĩnh vực như chế biến nông sản, hợp tác xuất khẩu sản phẩm hàng hóa. Để thuận lợi hơn trong hợp tác kinh tế và thương mại, các doanh nhân đề nghị lãnh đạo hai nước thúc đẩy các tuyến đường bộ và đường không kết nối giữa hai nước, mở đường bay giữa Hà Nội và Nakhon Phanom; tạo khung khổ thúc đẩy hợp tác lao động giữa hai nước, trong đó có việc đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Thái lan. Phát biểu tại buổi gặp gỡ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết đến năm 2020, Việt Nam – Thái Lan đặt mục tiêu đạt kim ngạch thương mại hai chiều 20 tỷ USD, thúc đẩy phát triển du lịch, hợp tác đầu tư mạnh mẽ hơn, Thủ tướng mong muốn doanh nhân Việt kiều đóng góp vào các mục tiêu này, là cầu nối thúc đẩy hợp tác hai nước. Thủ tướng mong muốn các doanh nhân Việt kiều là đầu mối xúc tiến thương mại hai nước, đưa hàng Việt Nam vào hệ thống thương mại và siêu thị Thái Lan, là tổng đại lý tiêu thụ hàng hóa Thái Lan và Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết thúc chuyến thăm chính thức Vương quốc Thái Lan  - ảnh 1 Thủ tướng gặp gỡ doanh nhân Việt kiều tại Thái Lan. Ảnh: VGP

Đánh giá giao thông kết nối hai nước chưa đáp ứng được nhu cầu hợp tác, Thủ tướng cho biết Chính phủ rất quan tâm đến hành lang Đông-Tây và đang xây dựng một tuyến cao tốc từ Vientian (Lào) đi Thanh Thủy đến vùng Nghệ An và một số tuyến khác thời gian tới. Cũng trong sáng 19/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở tỉnh Nakhon Phanom; gặp mặt trên 500 Việt kiều. Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thủ tướng nêu rõ: "Việt Nam đang nhập siêu từ Thái Lan tới 5 tỷ USD. Cái đó phải nhờ bà con tại Thái Lan tìm cách đưa hàng hóa Việt Nam sang Thái Lan để cân bằng. Cũng như việc mở những con đường hành lang Đông-Tây, quốc lộ 12 và đường hàng không, đường thủy từ Thái Lan sang Việt Nam là cần thiết. Bây giờ một tuần có 40 chuyến bay Việt Nam – Thái Lan nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. Chúng ta phải có nhiều hình thức tốt hơn nữa để giao lưu văn hóa, du lịch, thương mại".

Trước đó, tối 18/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có buổi làm việc với Tỉnh trưởng tỉnh Nakhon Pathom, ông Somchai Vitdumrong.

Nhân chuyến thăm chính thức Vương quốc Thái Lan của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hai bên đã ra Tuyên bố chung. Tuyên bố chung nhấn mạnh hai Thủ tướng nhất trí mở rộng các lĩnh vực hợp tác nhằm thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước. Theo đó, hai bên cam kết tăng cường hợp tác quốc phòng, trao đổi thông tin tình báo và hỗ trợ đào tạo; nhất trí đàm phán Hiệp định Dẫn độ và Hiệp định Tương trợ tư pháp về hình sự.  Hai bên tái cam kết không cho phép bất kỳ cá nhân/tổ chức nào sử dụng lãnh thổ nước này để tiến hành các hoạt động chống phá nước kia. Hai Thủ tướng khẳng định sẽ thúc đẩy hợp tác hơn nữa nhằm đạt mục tiêu 20 tỷ USD kim ngạch thương mại song phương vào năm 2020. Thái Lan khẳng định tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là trong các lĩnh vực thiết yếu đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Hai Thủ tướng bày tỏ quyết tâm tăng cường hợp tác trong việc thúc đẩy các liên kết vận tải đa phương thức, bao gồm trên bộ, trên biển và hàng không giữa hai nước và trong tiểu vùng Mekong; nhất trí thúc đẩy tuyến xe buýt nối liền Thái Lan - Lào - Việt Namcũng như tuyến vận tải ven biển giữa Thái Lan - Campuchia - Việt Nam. Hai nhà lãnh đạo tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định cũng như an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông. Hai Thủ tướng nhấn mạnh các bên cần bảo đảm thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các Bên ở Biển Đông (DOC); tái khẳng định  ủng hộ ASEAN và Trung Quốc sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử của các Bên ở Biển Đông (COC) và nhất trí mục tiêu cuối cùng cho vấn đề này là Biển Đông phải là vùng biển hòa bình, ổn định và phát triển bền vững.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác