Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Bộ Luật dân sự (sửa đổi) và dự án Luật trưng cầu ý dân

(VOV5) - Hôm nay, 12/05, tiếp tục phiên họp thứ 38, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Bộ Luật dân sự (sửa đổi), và dự án Luật trưng cầu ý dân. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Bộ Luật dân sự (sửa đổi) và dự án Luật trưng cầu ý dân - ảnh 1
Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về luật trưng cầu ý dân . vtc.vn

Sáng 12/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Bộ Luật dân sự (sửa đổi) sau khi đã được tiếp thu, chỉnh lý trên cơ sở lấy ý kiến đóng góp của nhân dân. Tại phiên họp, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi), trong đó tập trung vào 10 vấn đề lớn được Chính phủ xác định là trọng tâm trong quá trình lấy ý kiến nhân dân như quy định về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự; hình thức sở hữu; hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức; lãi suất trong hợp đồng vay... Ngoài ra, Chính phủ cũng xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về 2 vấn đề cụ thể bao gồm quyền đối với họ, tên và chữ đệm; quyền được chuyển đổi giới tính. Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách, đề nghị dự thảo Bộ luật cần bổ sung quy định thể hiện chính sách chung của Nhà nước Việt Nam đối với việc chuyển đổi giới tính để làm cơ sở cho luật khác sẽ quy định cụ thể về điều kiện, trình tự, thủ tục cho phép việc chuyển đổi giới tính khi cần thiết.

Chiều nay, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo thẩm tra Luật trưng cầu dân ý và xem xét báo cáo của Chính phủ về quy định tại Điều 60 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 về bảo hiểm xã hội một lần. Cho ý kiến vào Dự án Luật trưng cầu ý dân do Chủ tịch Hội luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền trình bày, đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành Luật, thể hiện quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân và triển khai các quy định của Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên qua thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng cần phải quy định rõ những vấn đề nào đưa ra trưng cầu ý dân, cũng như thẩm quyền của Quốc hội trong việc trưng cầu ý dân.

Cũng tại phiên họp chiều nay, Chính phủ báo cáo Thường vụ Quốc hội xem xét, giải quyết cho người lao động tự chọn hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần, hoặc tích luỹ để bảo lưu thời gian đã đóng nhằm tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội và hưởng lương hưu. Cho ý kiến về vấn đề này, các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội khẳng định đây là chủ trương, chính sách pháp luật đúng, tuy nhiên cần phân tích nguyên nhân, sớm hoàn thiện để phù hợp với nhu cầu và thực tế hiện nay.

Trước đó, chiều qua 11/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2014. Theo báo cáo, trong trong năm 2014, các cơ quan, đơn vị đã thực hiện tiết kiệm được 15.263 tỷ đồng kinh phí từ ngân sách nhà nước; Trong năm 2014, Bộ Tài chính đã tiến hành rà soát, cắt giảm được 290 giờ làm thủ tục về thuế cho người nộp thuế (từ 537 giờ/năm xuống còn 247 giờ/năm) và sẽ giảm tiếp 80 giờ (từ 247 giờ/năm xuống còn 167 giờ/năm) khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về Thuế có hiệu lực từ 01/01/2015. Tổng số giờ làm thủ tục về thuế được cắt giảm là 370 giờ…
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác