Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)

(VOV5) - Cần có tiêu chí để chứng minh thu nhập hợp pháp, từ đó loại trừ được tài sản có thể có từ tham nhũng.

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 23, sáng 11/04, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Qua thảo luận vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập; về đối tượng kê khai tài sản, thu nhập.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) - ảnh 1 Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu. - Ảnh: Trọng Đức/TTXVN.

Về vấn đề xử lý kê khai tài sản không trung thực; tài sản thu nhập biến động không được giải trình một cách hợp lý, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng cần có tiêu chí để chứng minh thu nhập hợp pháp, từ đó loại trừ được tài sản có thể có từ tham nhũng:

“Về mặt pháp lý không thể coi tài sản không giải trình hợp lý về nguồn gốc là tài sản tham nhũng để tịch thu bằng biện pháp hình sự theo hướng suy đoán có tội. Mặt khác nếu coi đó là tài sản của nhà nước để xác lập quyền sở hữu nhà nước theo thủ tục tố tụng dân sự, về giải quyết tranh chấp quyền sở hữu vừa không phù hợp với quy định của Bộ Luật dân sự về các căn cứ xác lập quyền sở hữu, vừa khó khăn trong việc thực hiện nghĩa vụ chứng minh của người thay mặt nhà nước đứng ra khởi kiện.

Đặc biệt đây là lần đầu tiên chúng ta đặt vấn đề xử lý tài sản đó nhằm phòng chống tham nhũng nên tôi cho rằng cần tiến hành thận trọng có bước đi phù hợp. Để làm được điều này cần có cơ chế quản lý thu nhập thật tốt, có cơ chế, kiểm soát được thu nhập”.

Một số ý kiến cho rằng cần có sự tham gia của cơ quan Thuế trong xử lý tài sản kê khai không trung thực. Đối với những khoản thu nhập tăng đột biến, không đúng, các cơ quan thanh tra có thể tham gia vào xử lý và mỗi người phải chịu trách nhiệm về việc khai thuế của mình.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác