Việt Nam đặt ra các kịch bản để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2017

(VOV5) - Tuy tình hình kinh tế-xã hội 4 tháng đầu năm 2017 tiếp tục chuyển biến tích cực song nhiệm vụ của những tháng tiếp theo là rất nặng nề, nhất là đối với mục tiêu tăng trưởng 6,7% và kiểm soát lạm phát 4%. 

 

Việt Nam đặt ra các kịch bản để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2017 - ảnh 1 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì buổi họp báo

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 4/5, tại Hà Nội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết tuy tình hình kinh tế-xã hội 4 tháng đầu năm 2017 tiếp tục chuyển biến tích cực song nhiệm vụ của những tháng tiếp theo là rất nặng nề, nhất là đối với mục tiêu tăng trưởng 6,7% và kiểm soát lạm phát 4%.  

Theo Bộ trưởng, quý I tăng trưởng mới đạt 5,1% do đó trong 3 quý còn lại phải đạt được tăng trưởng trung bình khoảng 7,1%. Tuy đây là nhiệm vụ khó khăn nhưng Chính phủ vẫn kiên định, nhất quán thực hiện mục tiêu tăng trưởng và lạm phát đề ra. Bởi thực hiện được các mục tiêu này mới bảo đảm được các cân đối vĩ mô như ngân sách nhà nước, nợ công, đầu tư, xuất nhập khẩu và việc làm, thu nhập, đời sống người dân. Đồng thời, tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững những năm tiếp theo và bảo đảm đạt mục tiêu kế hoạch 5 năm 2016-2020 tăng trưởng 6,5-7%.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết: "Giải pháp trọng tâm là Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành quyết liệt thực hiện một số nhiệm vụ, trong đó có khai thác dầu thô, xử lý dứt điểm 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả; phải đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm để đi vào hoạt động có hiệu quả, thúc đẩy tăng trưởng. Đặc biệt tại phiên họp Chính phủ này, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến vấn đề thị trường nông sản; phát triển sản xuất ngành nông nghiệp theo chuỗi giá trị; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; các cơ chế chính sách, giải pháp, gói tín dụng 100 nghìn tỷ".

Việt Nam đặt ra các kịch bản để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2017 - ảnh 2 Lãnh đạo các Bộ, ngành dự họp báo

Liên quan đến tình hình nhập siêu trong 4 tháng đầu năm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết thời gian qua, xuất khẩu, nhập khẩu đều tăng mạnh. Tuy nhiên tốc độ tăng trưởng nhập khẩu tăng mạnh hơn,bằng khoảng 4,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Phân tích con số này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng: "Nhìn vào những mặt hàng nhập khẩu thì việc nhập siêu không đáng lo ngại. Bốn tháng đầu năm, nhập khẩu tập trung chủ yếu ở các mặt hàng nguyên liệu, nhiên liệu, máy móc, thiết bị… để phục vụ sản xuất và chế biến xuất khẩu. Mặt khác, giá dầu tăng so với cùng kỳ đã kéo theo giá của một số mặt hàng nhập khẩu . Việc phải nhập khẩu nhiều mặt hàng dùng cho sản xuất cũng như chế biến cho xuất khẩu cho thấy sản xuất, kinh doanh tiếp tục có dấu hiệu phục hồi tích cực".

Liên quan đến vấn đề tại sao Việt Nam vẫn nhập khẩu nhiều mặt hàng cùng chủng loại, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, có nhiều Hiệp định thương mại tự do với các quốc gia và vùng lãnh thổ. Do đó, nếu Việt Nam phát triển xuất khẩu thì nhiều nước cũng sẽ có điều kiện xuất khẩu vào Việt Nam. Vì vậy, vấn đề quan tâm hiện nay là đẩy mạnh sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp, nâng cao tính cạnh tranh của hàng hoá để có thể đạt giá trị xuất khẩu cao hơn.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác