Việt Nam đề xuất 4 ưu tiên tại APEC 2017

(VOV5) - Sáng 1/3, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương 2017 và các cuộc họp liên quan bước vào ngày làm việc thứ 12.

Việt Nam đề xuất 4 ưu tiên tại APEC 2017 - ảnh 1
Việt Nam đề xuất 4 ưu tiên tại APEC 2017. Ảnh vov.vn



Trong ngày hôm nay, diễn ra các cuộc họp cuối cùng ở cấp Ủy ban và một số cuộc họp Nhóm bạn Chủ tịch và Cơ quan hỗ trợ chính sách APEC. Đoàn Việt Nam đã có 4 đề xuất ưu tiên. Thứ nhất là thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; Thứ hai là hội nhập kinh tế và kết nối khu vực, trong đó, thúc đẩy nhanh tiến trình thực hiện Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương là rất quan trọng và cấp thiết, cần đề ra một tầm nhìn APEC sau năm 2020. Thứ ba là khuyến khích sự năng động của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa và ưu tiên thứ tư là đảm bảo an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, trong đó, công tác chuyển giao và ứng dựng kỹ thuật là rất quan trọng đối với việc cải thiện năng suất trong sản xuất nông nghiệp, cũng như ứng phó với biến đổi khí hậu. Ông Nguyễn Minh Vũ, Vụ trưởng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban thư ký APEC, cho biết: “Trong 4 ưu tiên thì tập trung cho ưu tiên hàng đầu, tăng cường hơn nữa sự tăng trưởng bền vững, bao trùm, sáng tạo. Đây là vấn đề rất quan trọng nhất là trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế và thương mại trong khu vực đang suy giảm. Tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, thiên tai. Những cơ hội rất lớn từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Sáng kiến đưa ra những chính sách rất cụ thể, nâng cao chất lượng tăng trưởng, từ chiều rộng sang chiều sâu”.


 Bốn ưu tiên mà Đoàn Việt Nam đề
xuất phù hợp với những ưu tiên trung hạn của Ủy ban điều phối các quan chức cao cấp về hợp tác kinh tế kỹ thuật đề ra trong giai đoạn 2015-2019, đặc biệt là phát triển nguồn nhân lực, khuyến khích sự sáng tạo của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ sáng tạo, thúc đẩy tăng trưởng bao trùm, đẩy mạnh hội nhập kinh tế khu vực và tăng cường cải cách cơ cấu.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác