Việt Nam tích cực góp phần xây dựng GMS hội nhập, bền vững và thịnh vượng

(VOV5) - Tham dự có khoảng 2000 đại biểu, khách mời, doanh nghiệp và phóng viên báo chí trong và ngoài khu vực.

Hội nghị Thượng đỉnh GMS (Sáng kiến hợp tác Tiểu vùng sông Mekong mở rộng) lần thứ 6 và Hội nghị Cấp cao hợp tác khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam (CLV) lần thứ 10  sẽ diễn ra từ 29-31/3 tại Hà Nội. Tham dự có khoảng 2000 đại biểu, khách mời, doanh nghiệp và phóng viên báo chí trong và ngoài khu vực.

Việt Nam tích cực góp phần xây dựng GMS hội nhập, bền vững và thịnh vượng - ảnh 1 Quang cảnh buổi họp báo. (Ánh Huyền/VOV5) 

Tại cuộc họp báo diễn ra chiều 15/3 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Đặng Đình Quý khẳng định, đây là hai cơ chế hợp tác rất quan trọng đối với Việt Nam. Đặc biệt năm nay là năm GMS kỷ niệm 25 năm ngày khởi xướng và Việt Nam là nước tổ chức Hội nghị này với chủ đề “Phát huy 25 năm hợp tác, xây dựng GMS hội nhập, bền vững và thịnh vượng”: Việt Nam coi Hội nghị này là hoạt động đối ngoại đa phương quan trọng nhất trong năm nay. Hội nghị lần này có ý nghĩa quan trọng nữa bởi đây là các nước gắn liền với các lợi ích sát sườn với Việt Nam. Kỷ niệm 25 năm GMS để rút ra các bài học, đánh giá tổng thể lại đồng thời các nhà lãnh đạo xác định hướng đi trong thời gian tới, trong bối cảnh khu vực GMS cũng như khu vực chung đang có những biến động cả về kinh tế, chính trị, chiến lược.

Đặc biệt, tại Hội nghị lần này, Việt Nam lần đầu tiên đưa ra sáng kiến tổ chức Hội nghị thượng đỉnh GMS, nhằm kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài khu vực.

Trong khuôn khổ Hội nghị còn diễn ra Hội nghị Cấp cao Khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 10 (CLV 10). Các nhà lãnh đạo 3 nước trao đổi những biện pháp gia tăng hợp tác trong khuôn khổ 3 nước cũng như hợp tác với khu vực tiểu vùng Mekong.

Sáng kiến hợp tác Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) được Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) khởi xướng năm 1992. Các nước thành viên của tiểu vùng Mekong mở rộng gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam. Hợp tác GMS nhằm mục tiêu thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác phát triển kinh tế cùng có lợi giữa các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc), đưa tiểu vùng Mekong mở rộng nhanh chóng trở thành vùng phát triển nhanh và thịnh vượng ở khu vực.

Việt Nam tham gia tích cực Chương trình hợp tác kinh tế GMS ngay từ khi Chương trình này được thành lập vào năm 1992.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác