Làng Địch Vĩ và tục thờ chó đá

(VOV5) - Có một ngôi làng vẫn có tục thờ chó đá, đó là làng Địch Vĩ,thuộc huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội.

Trong quan niệm dân gian của người Việt cổ, thì chó được coi là con vật đem đến những điều may mắn, mang đến thuận lợi và niềm vui. Nhưng ít ai biết cách trung tâm Hà Nội không xa, có một ngôi làng vẫn có tục thờ chó đá, đó là làng Địch Vĩ,thuộc huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

 

Làng Địch Vĩ nay là làng Địch Đình, xã Phương Đình, huyện Đan Phượng là ngôi làng cổ nằm bên bờ sông Đáy có tục thờ chó đá. Dân làng ở đây kính cẩn gọi chó đá là Quan lớn Hoàng Thạch, hoặc ông Hoàng Thạch. Đình làng Địch Vĩ thờ Linh Lang Đại vương ( con trai thứ 4 của vua Lý Thánh Tông) và Quan lớn Hoàng Thạch.Như vậy Quan lớn Hoàng Thạch cũng được tôn thờ như vị Thành Hoàng làng. Truyền thuyết dân gian quanh vùng kể rằng: Ngày xưa, ở vùng cửa sông Hát có hai anh em, người anh tên là Ngọc Trì, người em tên là Hoàng Thạch. Người anh ra trận đánh giặc, giao lại công việc nhà cửa, ruộng vườn cho em trông nom. Khi tan giặc trở về, người anh thấy vợ mình có thai liền đổ ngờ cho người em ở nhà làm điều bất chính. Rồi không kiềm được lòng ghen tức, người anh giận dữ chém người em mà mắng rằng: “Đồ chó má”. Nhưng đến khi sinh nở, vợ người anh lại sinh ra một vật quái dị. Thế là người em mới được minh oan. Nỗi oan tình kia khiến xác người em hóa thành đá. Về sau đá trôi dạt xuống khúc sông đầu làng Địch Vĩ. Dân làng lấy làm lạ bèn bảo nhau vớt lên hương khói phụng thờ. Tương truyền tượng chó đá ấy là Hoàng Thạch hóa thân. Từ đó, tượng chó đá đã phù trợ cho dân làng làm ăn ngày một no ấm, thịnh vượng Trong tâm thức của người dân làng Địch Vĩ , Quan lớn Hoàng Thạch đã cùng các vị thần khác đã bảo hộ cho dân làng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Ông Nguyễn Chí Cương, người trông coi di tích xã Phương Đình, kể: Đối với Quan Hoàng, chúng tôi thờ rất uy linh. Trước đây dưới thời phong kiến đi đến trước Quan Hoàng thì mọi người đều phải ngả mũ. Quan Hoàng rất linh nghiệm: Gia đình nào mất của cải đến đây kêu oan thì được trả lại, hay việc vợ chồng có chuyện cãi cọ xích mích đến đây kêu cầu thì được hòa giải. Ở thôn này đã có người mất của, mất vàng đã lên đây làm lễ ăn thề, sau đó có hồi âm, của cải bị mất được trả về.

Làng Địch Vĩ và tục thờ chó đá - ảnh 1Bức tượng chó đá được thờ tại thôn Địch Vị, xã Phương Đình, Đan Phượng. (Lê Trang/ Bưu Điện Việt Nam) 

 

Trên một gò đất cao ở đầu làng, tiếp giáp với ngôi chùa cổ, còn có một bệ thờ rộng chừng mười mét vuông, xung quanh xây tường bao với hai cột trụ. Trên bệ thờ có một nhóm tượng chó. Chó tạc bằng đá xanh, ngồi chễm chệ trên bệ thờ. Ngồi giữa là tượng chó lớn, cao hơn 1 mét, quây quần xung quanh là đàn chó nhỏ, được tạo tác với nhiều dáng vẻ khác nhau, hết sức sinh động và ngộ nghĩnh. Cả đàn chó lớn, chó nhỏ đều hướng về phía Tây Bắc, phía cửa sông Hát, giữa hai đỉnh núi Ba Vì, Tam Đảo xa xa.

Các cụ cao tuổi trong làng kể rằng: đã từ bao đời nay, dân trong làng có bất cứ chuyện gì khúc mắc cũng đều tìm đến ngài để cầu khấn. Chẳng hạn, hai người xảy ra tranh chấp hay mâu thuẫn cũng kéo nhau đến đền thờ Quan lớn Hoàng Thạch để thề bồi. Trước mặt Quan lớn, một người sẽ chặt đứt cây chuối hoặc đập vỡ bát và cất lời thề để ngài chứng giám. Nếu lời người thề bồi mà sai trái ắt sẽ bị thần quở mà gặp tai ương, tính mạng khó giữ. Chính vì thế, nhiều mâu thuẫn của dân làng cũng nhờ ngài mà được hóa giải. Cũng chính bởi những câu chuyện thêu dệt linh thiêng về Quan lớn Hoàng Thạch mà dân làng tuyệt nhiên không ai dám xâm phạm đến nơi ngài ngự. Với người dân làng Địch Vĩ, Quan Lớn Hoàng Thạch là vị thần thiêng liêng gắn với đời sống tinh thần của họ. Bà cao Thị Hợi người dân làng Địch Vĩ cho biết:  Người dân làng chúng tôi cứ vào ngày rằm, mông một đến đây thắp hương, bà con trong làng nhà ai có việc gì cứ lên đây kêu với ngài. Chẳng hạn như nhà có con đi học, đi thi cũng đến đây xin Quan phù hộ cho các con đi học gặp may mắn, đỗ đạt thành đạt. Cũng có người mất của,hay  khúc mắc với nhau chuyện vay nợ cũng đưa nhau lên đây ăn thề để hòa giải với nhau

 

Làng Địch Vĩ và tục thờ chó đá - ảnh 2

Bệ thờ “Đức ông Hoàng Thạch” luôn được người dân làng Địch Vĩ thường xuyên nhang khói. ( Phú Sỹ/VOV.VN)

Cuộc sống ở làng Địch Vĩ thường ngày vẫn diễn ra những câu chuyện như thế. Tất cả bắt đầu chỉ là truyền thuyết dân gian, mà không ai biết thực hư các câu chuyện đó như thế nào. Nhưng có lẽ sự kính trong trọng, nể sợ trước uy linh của vị “thần khuyển”, mà con người ta cố gắng sống có tình nghĩa, trung thực với nhau để xón làng được bình yên hòa thuận. Đó cũng là nét đẹp văn hóa làng quê trong cuộc sống hôm nay.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác