Làng nghề Lai Xá - Nơi lưu giữ nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam

(VOV5) - Trong số các làng nghề truyền thống tại Việt Nam có một làng nghề đặc biệt. Đó là làng nhiếp ảnh Lai Xá. Nghề nhiếp ảnh được phổ biến ở Việt Nam xuất phát từ chính ngôi làng này. 

Nghe  âm thanh bài viết tại đây:

Làng Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, cách trung tâm Hà Nội khoảng 15 km về phía Tây. Nghề nhiếp ảnh làng Lai Xá hình thành từ cuối thế kỷ thứ 19.

Làng nghề Lai Xá - Nơi lưu giữ nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam - ảnh 1Dâng hương cụ Tổ nghề Khánh Ký 

Theo những tư liệu của làng ghi lại, ông tổ nghề làng nhiếp ảnh làng Lai Xá là cụ Nguyễn Đình Khánh (hiệu Khánh Ký) (1874 - 1946). Khánh Ký trở thành một trong bốn danh nhân nhiếp ảnh có tên trong Bách khoa thư Việt Nam gồm Đặng Huy Trứ, Khánh Ký, Võ An Ninh và Đinh Đăng Định. Công lao lớn nhất của cụ Khánh Ký là biến một nghề ngoại nhập trở thành nghề truyền thống của làng, đưa nghề nhiếp ảnh tới mọi miền đất nước. Cụ Khánh Ký còn là một nhà yêu nước, tích cực tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Cụ vừa hoạt động cách mạng vừa mở hiệu ảnh ở Toulouse và Paris. Ông Nguyễn Minh Nhật, Nghệ nhân làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá, cho biết: “Khi cụ Khánh Ký truyền bá nghề, các con cháu trong dòng họ, người trong làng đều đi mở hiệu ảnh ở tất cả các nơi trên đất nước Việt Nam, nước ngoài cũng mở như ở Lào, Trung Quốc, Đức… có mấy chục học trò theo cụ sang Pháp làm. Hiện nay, bà con mở hiệu ảnh ở các nơi vẫn còn rất nhiều. Trước đây các cụ, các ông mở ở tỉnh nào thì bây giờ con cháu nối nghiệp vẫn làm, như nhà tôi có 4 đời làm ảnh. Làng Lai Xá mới được phong tặng 5 nghệ nhân.”

Làng nghề Lai Xá - Nơi lưu giữ nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam - ảnh 2Du khách tham quan bảo tàng nhiếp ảnh làng Lai Xá 

Nghề nhiếp ảnh làng Lai Xá phát triển rực rỡ vào giữa thế kỷ thứ 20. Người dân làng Lai Xá đã mở khoảng 200 hiệu ảnh không chỉ ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước mà còn sang cả nước ngoài. Những hiệu ảnh: Kim Lai, Mỹ Lai, Vạn Hoa, Thủ đô ảnh viện, Duy Tân hay An Ký, Thịnh Ký, Thiện Ký...  của làng Lai Xá nổi tiếng khắp cả nước. Ông Đặng Văn Tích, bậc cao niên trong làng Lai Xá, kể: “Năm 1890, khi 16 tuổi Khánh Ký học nghề ở hiệu ảnh Du Chương của người Hoa ở Hà Nội. Sau 2 năm, năm 1892, Khánh Ký đã mở hiệu ảnh đầu tiên ở phố Hàng Da, Hà Nội. Sau đó Khánh Ký mời anh chị em họ hàng làm nghề ảnh và dần dần kéo cả làng Lai Xá làm nghề ảnh. Làng Lai Xá lấy năm cụ mở hiệu ảnh đầu tiên 1892 làm năm ra đời làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá. Năm 1913, trong số hàng trăm phóng viên, thợ ảnh nước ngoài lúc đó chụp ảnh chân dung Tổng thống Pháp, cụ Khánh Ký chụp ảnh đẹp nhất và được đăng trên các báo Pháp. Từ đó tiếng tăm của cụ lừng lẫy.”

Làng nghề Lai Xá - Nơi lưu giữ nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam - ảnh 3 Chiếc máy ảnh đầu tiên từng được cụ tổ nghề Khánh Ký sử dụng

Đã là thợ ảnh Lai Xá đều phải biết mọi công đoạn làm nghề từ chụp ảnh, tráng phim, phóng ảnh, tô màu, làm giấy ảnh… rồi biết cách pha chế thuốc ảnh cho phù hợp với thời tiết theo từng mùa. Sở hữu kỹ thuật chụp ảnh khéo léo và bí quyết pha thuốc hãm để đủ độ sáng cho ảnh, thợ ảnh Lai Xá có thể chụp hàng chục cuộn phim trong điều kiện thời tiết bất lợi mà độ bắt sáng vẫn đều và đẹp. Ông Đặng Văn Tích cho biết: “Những nơi khác làm ảnh chỉ ngâm nước vài lần nhưng người Lai Xá ngâm hàng chục lần để làm sao sạch muối trong phim nên hàng trăm năm sau ảnh không bị ố, phai màu. Chụp xong người Lai Xá dùng bút lông sửa lại cả trong phim và trong ảnh để bức ảnh bền đẹp. Người Lai Xá say mê nghề nhiếp ảnh, bất kể ai cũng biết chụp ảnh. Ông Vũ Đình Hồng, người của làng từng được chọn chụp ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Tổng Bí thư Trường Trinh.”

Mới đây, Làng Lai Xá đã khánh thành Bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá, Bảo tàng đầu tiên ở Việt Nam do dân làng tự nguyện đóng góp kinh phí xây dựng Bảo tàng làng nghề của mình. Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ nhiệm làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá kiêm Chủ nhiệm Câu lạc bộ nhiếp ảnh mang tên tổ nghiệp Nguyễn Đình Khánh, cho biết: “Năm 2003 chúng tôi thành lập Câu lạc bộ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Khánh. Chúng tôi xác định làm nòng cốt cho làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá hoạt động trên lĩnh vực ảnh nghệ thuật và ảnh báo chí. Anh em trong câu lạc bộ tích cực đi sáng tác và tham gia các triển lãm ảnh của thành phố Hà Nội và các địa phương khác.”

Những người con của làng Lai Xá đi khắp nơi mở hiệu ảnh mưu sinh, lập nghiệp, nhưng cứ vào ngày 20 tháng 4 âm lịch hàng năm, ngày giỗ cụ Tổ nghề Khánh Ký, rất đông trong số họ lại về làng để tưởng nhớ, suy tôn nghề nghiệp tổ tiên. Với bề dày lịch sử 125 năm, người dân làng Lai Xá đã phát huy nét độc đáo nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam. Nghệ thuật nhiếp ảnh làng Lai Xá đã vươn tới đỉnh cao của nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam, là niềm tự bào của người dân làng Lai Xá.

Phản hồi

Các tin/bài khác