Lịch sử nghề Kim hoàn ở cố đô Huế

(VOV5) - Làng Kế Môn trước đây thuộc xã Phong Thạnh cũ, nay thuộc xã Điền Môn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Nơi đây được xem như cái nôi nghề kim hoàn Việt Nam.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Theo sử sách xưa còn ghi lại thì làng Kế Môn được thành lập vào thế kỉ 14 dưới đời vua Trần Anh Tông. Làng Kế Môn nằm bên phá Tam Giang lại có đất nông nghiệp nên cư dân ở đây sống chủ yếu bằng nghề nông và đánh bắt cá.

Năm 1789, sau khi đại phá quân Thanh vua Quang Trung đặt kinh đô tại Phú Xuân - Huế và ra lời kêu gọi người tài giúp vua quản lý đất nước. Ông Cao Đình Độ là người Thanh Hóa vào Huế xin làm nghề Kim hoàn khi đi qua sông Ô Lâu thì cả gia đình bị nạn, người dân Kế Môn thấy thế cứu giúp nên mới thoát chết. Để tưởng nhớ công ơn cứu mạng của người dân làng kế Môn nên sau khi vào cung ông Độ đã trở về và dạy nghề cho người dân ở đây.

Lịch sử nghề Kim hoàn ở cố đô Huế - ảnh 1 Tịnh Tâm Kim Cổ là nơi trưng bày các sản phẩm kim hoàn của người làng Kế Môn.

Ông Bùi Văn Dây, Trưởng ban điều hành làng văn hóa Kế Môn, chia sẻ: "Làng Kế Môn đặc biệt là năm giữa sông và biển và có điểm gọi là Bầu Ngược, nghĩa là nếu ai đi qua dù như thế nào đều là gió ngược mà qua đó người dân rất sợ phong ba bão táp. Người dân Bắc vào phải đi qua con đường gọi là Phá Tam Giang nên về ngang đến Điền Hương có đò đi Huế. Chính vì vậy khi ông Cao Đình Độ đến đây đã xuống đò đi qua Bầu Ngược không may bị nạn. Lúc này có thì có 2 ông họ Trần Duy và 1 ông họ Hoàng đang làm ruộng nhìn thấy nên đã cứu vớt. Khi ông Cao Đình Độ vào trong Điện Nội làm một thời gian, ông ấy nghĩ đến công đức của 2 người cứu vớt mình nên ông đã đem nghề kim hoàn truyền dạy lại cho họ."

Từ đó đến nay đã được hơn 200 năm, cũng từ đó làng Kế Môn trở thành cái nôi của nghề kim hoàn của xứ đàng trong. Các sản phẩm kim hoàn ở đây đã đáp ứng được nhu cầu về trang sức, trang trí của cư dân và quan lại ở chốn kinh thành Huế ngay từ cuối thế kỷ XVIII do nhiều người thợ kim hoàn từ phương Bắc vào, tiêu biểu là ông Cao Đình Độ quê ở Thanh Hóa đã đến định cư ở làng Kế Môn hành nghề kim hoàn và mở lớp truyền dạy cho các thế hệ con cháu. Sản phẩm kim hoàn ở Kế Môn nổi tiếng có chất lượng tốt so với nhiều nơi khác với kỹ thuật tay nghề tinh xảo và chạm khắc cầu kỳ được làm ra bởi những người thợ có kinh nghiệm, khéo tay và giàu khiếu thẩm mỹ sáng tạo, thể hiện rõ nhất là trên các đồ trang sức như vòng, kiềng, nhẫn, lắc, dây chuyền, khuyên tai bằng vàng hoặc bạc.

Nhà nghiên cứu lịch sử Văn hóa Trần Đại Vinh, cho biết: "Người dân ở đây được học nghề kim hoàn. Họ đã đem bàn tay khéo léo tạo thành những vật chân quý tinh xảo cung ứng cho nhu cầu hôn nhân nhu cầu tế lễ của dân gian và Kế Môn trở thành một ngôi làng vàng son rực rỡ. Tất cả những thu nhập thu được người dân đã đem về để tích lại tôn tạo ngôi nhà thờ của tổ nghề  và khu lăng mộ tổ nghề là ông Cao Đình Độ."

Hai trăm năm qua, hàng ngàn người làng Kế Môn đã rời làng ra đi và có mặt, trước tiên là ở kinh thành Huế (để làm trong Cơ vệ Ngân Tượng của triều đình), sau đó là ở hầu hết các đô thị, thị tứ, chợ lớn của cả nước, và sau này là vươn ra thế giới. Nghề kim hoàn trở thành nghề kiếm sống của người dân Kế Môn, nghề làm vàng từ đây mà tỏa ra khắp cả nước.

Không những thế người làng Kế Môn còn đưa nghề truyền thống của mình vươn ra khắp thế giới nhằm quảng bá cho quê hương đất nước, hiện tại tiểu bang Texas của Mỹ có 40 cơ sở làm vàng của người Kế Môn.

Tại Huế các sản phẩm kim hoàn được trưng bày tại “Tịnh Tâm Kim Cổ”, trong các đợt Festival nghề truyền thống của Huế người làng Kế Môn đều tham dự. Làng Kế Môn có nhiều nhà thờ họ với tất cả 16 nhà thờ, đây là những họ đã có công mở làng cũng như phát triển nghề kim hoàn.

Lịch sử nghề Kim hoàn ở cố đô Huế - ảnh 2Nghệ nhân ưu tú Trần Duy Mong trả lời phỏng vấn phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam. 

Sinh ra và lớn lên trong một gia tộc có truyền thống về nghề kim hoàn, nghệ nhân ưu tú Trần Duy Mong đã lĩnh hội được nghề của ông cha và luôn tận tụy với nghề truyền thống. Gắn bó với nghề kim hoàn từ thuở 18 đôi mươi đến nay dù đã bước qua tuổi lục tuần nhưng niềm đam mê với nghề vẫn cháy bỏng trong con người ông Trần Duy Mong. Ông chia sẻ: "Tôi sinh ra và lớn lên ở làng Kế Môn. Làng Kế Môn được nhị vị Tổ sư Đình Độ và Cao Đình Hương truyền nghề kim hoàn cho con dân trong làng. Tôi đã vào nghề và hơn nữa là nghề này được tôn vinh tại làng tôi. Qua đó thực sự là tôi luôn gìn giữ để ngành nghề của chúng tôi luôn phát triển."

Ngày nay, dù con dân Kế Môn đã tỏa đi xa nhưng có lẽ Huế mới thật sự là cái nôi bậc nhất cho nghề kim hoàn phát triển khi còn giữ được dấu ấn lịch sử của một thời vang bóng. Ngoài khu mộ tổ và nhà thờ tổ kim hoàn vẫn còn lưu giữ ở đất kinh thành thì cũng chỉ có đến Huế du khách mới có cơ hội trực tiếp chứng kiến hoặc tham gia các công đoạn sản xuất của nghề kim hoàn truyền thống.

Tin liên quan

Phản hồi

Đặng Doan

tôi là con dân làng Kế Môn ; Điền Môn ;Phong Điền ; TT Huế muốn hỏi đến Hội Kim Hoàn Việt Nam - Ban Biên Tập các Báo :qua hai ngày giỗ 07/02 và 27/02 hằng năm... Xem thêm

Các tin/bài khác