Mô hình nông nghiệp 3 trong 1 giúp nông dân huyện Yên Khánh, Ninh Bình, thoát nghèo

(VOV5) - Sản xuất theo mô hình này, 5 năm trở lại đây, mỗi năm, nông dân xóm 13 thu nhập bình quân hơn 100 triệu đồng/hecta/năm. 

Hiện nay, trong khi tại nhiều miền quê, người nông dân chưa thể sống dựa vào sản xuất nông nghiệp vì thu nhập bấp bênh, thì ở huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình, các hộ nông dân không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi hecta một năm. Có được kết quả này là nhờ cách làm sáng tạo theo mô hình tổng hợp 3 trong 1 luân canh lúa, cá, rau mầu. 
Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 Xã Khánh Thành là 1 trong 3 xã đầu tiên của huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình, được chọn làm xã điểm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Tại đây, các cơ sở điện lưới, đường giao thông, trường học, trạm y tế xã được xây dựng khang trang, đặc biệt, đời sống người dân được nâng cao rõ rệt. Có được kết quả này là nhờ vào mô hình sản xuất nông nghiệp 3 trong 1 đang được người dân nơi đây áp dụng một cách hiệu quả. Đây là phương thức kết hợp hình thức canh tác nông nghiệp khác nhau trên cùng một khu đất: dưới rãnh nuôi ốc, cá, trạch; trên mặt luống trồng lúa, rau mầu; trên giàn là cây dây leo như bí xanh, mướp, dưa chuột, mướp đắng... Sản xuất theo mô hình này, 5 năm trở lại đây, mỗi năm, nông dân xóm 13 thu nhập bình quân hơn 100 triệu đồng/hecta/năm. Ông Phạm Văn Lãi, ở xóm 13, cho biết năm 2013, gia đình ông thu nhập được 500 triệu đồng/hecta/năm:       "Không phải chỉ riêng cây mướp đắng mà còn nhiều cây như bí xanh, dưa chuột để xuất khẩu. Bây giờ lại thêm ớt nữa. Nông dân đa dạng cây, chứ không cứ cây mướp đắng hay cây nào. Làm tổng hợp, đa dạng thì không bao giờ bị thua lỗ, làm thu nhập có hiệu quả rất cao".

Mô hình nông nghiệp 3 trong 1 giúp nông dân huyện Yên Khánh, Ninh Bình, thoát nghèo - ảnh 1

Cũng ở xóm 13, gia đình chị Phạm Thanh Sơn trong vụ đông 2013, chỉ riêng diện tích trồng mướp đắng đã giúp chị thu lãi được hơn 8 triệu đồng/ha, cùng với đó là hàng chục triệu đồng từ bí xanh, ớt quả. Với việc luân canh đa dạng các loại cây con có giá trị cao, sản xuất nông nghiệp giờ đây đã mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống gia đình. Chị Phạm Thanh Sơn chia sẻ: "Từ khi áp dụng mô hình thì tôi thấy kinh tế của mình nâng lên rất nhiều, gấp 2 - 3 lần những năm trước. Thu hoạch 1 năm 2 vụ như bí với mướp được khoảng 15 triệu. Cuộc sống điều kiện hơn. Tôi xây được một ngôi nhà cũng là từ trồng vườn mà ra".

Từ 5 hộ đầu tiên canh tác nông nghiệp theo mô hình 3 trong 1, đến nay toàn xã Khánh Thành có 67 hộ tham gia. Theo ông Phạm Văn Dân, Bí thư Đảng ủy xã Khánh Thành, hiệu quả từ việc chuyển đổi từ đất trồng 2 vụ lúa sang chuyên canh cây mầu bằng những cây trồng ngắn ngày có hiệu quả kinh tế cao đã góp phần rất lớn trong công tác giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã. 3 năm trước, tỷ lệ hộ nghèo trong xã Khánh Thành là 9,6% trên tổng số hơn 2.000 hộ trong xã thì đến nay, con số này giảm chỉ còn 3%. Ông Phạm Văn Dân cho biết: "Mục tiêu quan trọng nhất của chúng tôi vẫn là làm sao thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho người dân. Đặc biệt, đối với hộ nghèo, chúng tôi có biện pháp cụ thể. Hộ nghèo mà không thể xóa được thì có chính sách hỗ trợ. Những hộ nghèo do thiếu vốn làm ăn thì tạo vốn, tạo việc làm để cho những hộ nghèo đó tiếp cận mô hình phát triển kinh tế nhằm tăng thêm thu nhập. Trong năm tới, chúng tôi giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống 0,5% và dần từng bước giảm xuống khoảng 2%".

Mô hình nông nghiệp 3 trong 1 giúp nông dân huyện Yên Khánh, Ninh Bình, thoát nghèo - ảnh 2


Nhờ mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp bằng nhiều hình thức, đến nay, huyện Yên Khánh, có khoảng 255 mô hình sản xuất nông nghiệp tổng hợp, trong đó hiệu quả nhất là mô hình 3 trong 1. Từ những kết quả đã đạt được, huyện Yên Khánh xác định tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng áp dụng các mô hình sản xuất mang lại giá trị kinh tế cao và đặt mục tiêu phấn đấu trở thành huyện đầu tiên của tỉnh Ninh Bình về đích trong xây dựng nông thôn mới vào năm 2020. Ông Lê Trung Thành, Phó Bí thư thường trực huyện ủy Yên Khánh cho biết: "Bà con sản xuất chủ yếu là nông nghiệp nên chúng tôi cũng đang đi tìm rất nhiều mô hình về để triển khai. Bây giờ cần đa năng, nhiều mô hình. Những mô hình này nếu được phát triển rộng, đầu ra tốt thì đây là một yếu tố đảm bảo xây dựng nông thôn mới của huyện Yên Khánh, đặc biệt là nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, thu nhập của nhân dân sẽ tốt lên rất nhiều". 


 Những kết quả mà người dân Yên Khánh, Ninh Bình, đạt được đã minh chứng cho một thực tế là nông dân hoàn toàn có khả năng làm giàu trên chính mảnh ruộng của mình nếu biết thay đổi phương thức canh tác một cách phù hợp để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Với mô hình sảnh xuất nông nghiệp 3 trong 1, diện tích ruộng đất được sử dụng tối đa, sản lượng lúa và hoa mầu cao, từ đó chất lượng đời sống ở vùng nông thôn ngày càng được nâng cao./.   

          


Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác