Nghề làm quạt làng Chàng Sơn

(VOV5) - Chàng Sơn đã được chúng tôi giới thiệu là một làng nghề tiêu biểu ở Việt Nam với nghề mộc truyền thống. Chàng Sơn còn được biết tới là một trong những cái nôi của nghề làm quạt, với bề dày lịch sử hàng trăm năm. 
Nghề làm quạt làng Chàng Sơn - ảnh 1 Sản phẩm quạt Chàng Sơn

Nghe âm thanh tại đây: 

Đến với Chàng Sơn, du khách có thể dễ dàng thấy vô số những chiếc quạt được phơi dọc các ngõ nhỏ trong làng. Khi bước vào nhà của các thợ làm quạt trong làng, du khách có cảm giác như lạc vào một gian nghệ thuật đầy mầu sắc. Các nghệ sĩ nhiếp ảnh thường ghé thăm làng chụp lại những khoảng khắc tuyệt đẹp ở Chàng Sơn với những chiếc quạt muôn hình muôn vẻ.

Ngay từ thế kỷ 19, quạt Chàng Sơn đã nổi tiếng trong và ngoài nước. Người Pháp từng nhiều lần mang quạt Chàng Sơn sang Paris triển lãm. Tên tuổi của những nghệ nhân: Dương Văn Mơ, Nguyễn Đức Lân, Nguyễn Lân Tuyết… trong làng không ai là không biết đến. Năm 2008, nghệ nhân Dương Văn Mơ cùng ông Phí Quang Bộ đã làm nên chiếc quạt lập kỷ lục lớn nhất Việt Nam.

Ông Phí Quang Bộ kể lại: “Tôi may mắn có duyên cùng với nghệ nhân Dương Văn Mơ làm chiếc quạt xác lập kỷ lục quốc gia tại lễ hội phố Hoa Hà Nội. Quạt đó hiện nay để ở Trung tâm triển lãm Vân Hồ, Hà Nội. Tác phẩm này vì chiều cao rất cao nên không thể có tre nào cao thế nên khung quạt phải làm bằng gỗ. Quạt cao 5m khi giở ra là 10 m. Múi quạt đan bằng mây. Ở giữa quạt vẽ tranh chợ quê Hà Nội. Khi dựng quạt ở tượng đài Lý Thái Tổ phải bắc giàn giáo kéo như dựng nhà. Khi dựng xong bao nhiêu người tới chụp ảnh.”

Quạt Chàng Sơn mẫu mã, chủng loại phong phú, đa dạng. Không chỉ làm ra những chiếc quạt giấy, quạt nan mà người Chàng Sơn còn sản xuất đủ các loại quạt như quạt the, quạt lụa, quạt tranh trang trí treo tường, quạt dùng làm thiệp mời cưới cho đến quạt cao cấp làm quà lưu niệm. Quạt Chàng Sơn dù là loại nào cũng toát lên vẻ đẹp mềm mại, quyến rũ từ những họa tiết, hình ảnh trang trí trên chiếc quạt. Không chỉ có giá trị nghệ thuật mà mỗi chiếc quạt Chàng Sơn còn mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa, bởi mỗi hình vẽ trên quạt khắc họa những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của đất nước và cả những tích truyện cổ, bài thơ, câu đối hay ghi công danh sự nghiệp của các vị anh hùng dân tộc.

Ông Phí Quang Bộ cho biết: “Quạt cao cấp là quạt trang trí, quạt làm quà tặng. Nan vót bằng tre xong ép lại hai cật với nhau thành một nan, người ta thường gọi là quạt ghép, tức là ghép 2 thanh cật tre vào với nhau thành một nan mà nhìn ngoài không thể biết được là 2 nan ập lại. Xương quạt, nan cái của quạt người ta có thể làm bằng xương, bằng sừng. Hình vẽ, giấy lụa và tạo dáng trên quạt phải tạo nên mỹ thuật đẹp, hoa văn trạm chổ hoa lá, rồng phượng. So với các làng khác riêng về hoa văn của quạt Chàng Sơn thì nó có độc đáo tức là những hoa văn trổ đẹp. Thí dụ hoa văn rồng, phượng, hoa lá, tranh sơn thủy hữu tình, tranh quê hương và thậm chí trạm cả chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hiện nay ở trên sân khấu chèo, tuồng, múa đều dùng quạt Chàng Sơn.”

Nghề làm quạt đòi hỏi sự cầu kỳ, tỉ mỉ từng chi tiết. Để có được một chiếc quạt như ý, người ta phải chọn lựa từng ống tre làm nan quạt, từng sợi mây để làm viền và từng thếp giấy để làm cánh quạt. Tre phải dẻo, già có độ tuổi từ ba năm trở lên, ngâm nước để không bị mối mọt thì nan quạt mới bền, đẹp. Sợi mây phải óng, mượt, dài để khi đan không phải nối nhiều đoạn lại với nhau. Giấy quạt là loại giấy dó, giấy điệp mua ở tận làng Đông Hồ (tỉnh Bắc Ninh). Khi vào giấy cho nan quạt phải khéo léo sao cho giấy không bị nhàu, nếp gấp phẳng, đều, thuận tiện cho việc vẽ tranh. Khi các công đoạn làm quạt hoàn thiện, người họa sỹ phủ lên quạt một lớp sơn bóng để giữ cho quạt sáng, đẹp, bền.

Nghề làm quạt làng Chàng Sơn - ảnh 2Anh Dương Văn Đoàn đang làm quạt xuất khẩu sang Nhật Bản.

Anh Dương Văn Đoàn, con trai cố nghệ nhân Dương Văn Mơ, cho biết: “Công đoạn làm nên một chiếc quạt có nhiều công đoạn, làm thủ công từ đầu đến cuối. Mọi công đoạn đều quan trọng, gắn kết với nhau. Muốn có sản phẩm đẹp các công đoạn đều phải cận thận. Để có sản phẩm tinh túy, phải cần cù, sáng tạo, đưa những cái mới lạ vào sản phẩm của mình thì sản phẩm sẽ được ưa chuộng.”

Quạt Chàng Sơn đã xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới là Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc. Nghề làm quạt không chỉ đem lại thu nhập thêm cho dân làng mà còn góp phần bảo tồn, phát huy truyền thống một làng nghề lâu đời. Những chiếc quạt không đơn thuần chỉ để quạt mát những ngày Hè, mà còn chứa đựng những thông điệp nhân văn sâu sắc, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác