Những đổi thay ở làng quê Bến Tre khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới

(VOV5) - Bến Tre đã có 21/147 xã được công nhận xã nông thôn mới theo đúng 19 tiêu chí quy định. 

Bến Tre là địa phương “ba đảo dừa xanh”, với hệ thống sông rạch chằng chịt, đời sống người dân còn khó khăn. Tuy vậy, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, chính quyền và nhân dân địa phương đã tích cực thực hiện Chương trình Quốc gia xây dựng Nông thôn mới; qua đó, làng quê nơi đây có những đổi thay rõ rệt.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Những con đường liên thôn, liên xã trải bê tông bằng phẳng, rộng rãi, đường làng ngõ xóm sạch đẹp, giao thương phát triển, đời sống của người dân được nâng lên… phong trào nông thôn mới đã đem lại sự khởi sắc cho làng quê ở Bến Tre. Được đầu tư kinh phí từ Trung ương cùng sự chung tay của chính quyền và người dân, đến nay, Bến Tre đã có 21/147 xã được công nhận xã nông thôn mới theo đúng 19 tiêu chí quy định. Tiên phong trong phong trào là Hội cựu chiến binh tỉnh.

Những đổi thay ở làng quê Bến Tre khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới - ảnh 1 Nhà vườn tỉnh Bến Tre đổi đời nhờ trồng bưởi da xanh. ( Nhật Trường/VOV)

Chỉ tính 2 năm qua, Hội cựu chiến binh các cấp trong tỉnh đã vận động đóng góp bằng tiền mặt hơn 12 tỷ đồng, làm được 164 cây cầu, góp hơn 22 nghìn ngày công, hiến hơn 65 nghìn mét vuông đất làm các công trình phúc lợi tại địa phương. Ông  Nguyễn Văn Lực, Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Sơn Hòa, huyện Châu Thành, chia sẻ:“Thực hiện  xây dựng nông thôn mới, ngoài hướng chỉ đạo của huyện, hội cựu chiến binh cơ sở làm việc này rất tốt. Cụ thể như làm đường thì hội viên Hội cựu chiến binh hiến đất rồi tham gia đóng góp theo nhu cầu. Các hộ tự nguyện tự giác đóng tiền, anh em đều tham gia đóng góp hết. Ngoài tiền thì anh em còn đóng góp công lao động, hội viên Hội cựu chiến binh xã Sơn Hòa làm rất tốt”.

So với các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Bến Tre gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới như việc xây dựng đường giao thông nông thôn, xóa cầu gỗ xuống cấp; tình hình ô nhiễm môi trường từ các mô hình chăn nuôi theo kiểu truyền thống… Tuy nhiên, các cấp chính quyền và nhân dân địa phương vừa làm vừa rút kinh nghiệm, kịp thời tháo gỡ khó khăn. Ông Dương Văn Chương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Giồng Trôm, cho biết:“Có những điểm dân đối ứng vốn vẫn còn thấp, giải pháp là mình tiếp tục tuyên truyền, vận động làm sao cho bà con nhân dân thấy được mình là chủ thể xây dựng nông thôn mới.  Xây dựng hạ tầng nông thôn là để phục vụ bà con; nhân dân cùng với nhà nước góp vốn xây dựng hạ tầng nông thôn. Mô hình chăn nuôi bò rất hiệu quả nhưng lại gây ô nhiễm môi trường. Địa phương cố gắng vận động bà con làm hầm biogas để tận dụng phân sạch ở ven đường cũng như ở khu dân cư”.

Những đổi thay ở làng quê Bến Tre khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới - ảnh 2

Mô hình trồng hoa kiểng cho thu nhập cao ở huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. ( Nhật Trường/VOV)

Chương trình xây dựng Nông thôn mới làm thay đổi rõ rệt diện mạo quê hương Đồng Khởi.  Điện, đường, trường trạm được đầu tư, nâng cấp đã đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa và giao thương của người dân. Từ đó, đời sống vật chất tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người ở vùng nông thôn của Bến Tre tăng lên 32 triệu đồng/năm, tăng 18 triệu đồng so với khi chưa có chương trình xây dựng nông thôn mới; tỉ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 10%.

Bến Tre phấn đấu từ nay đến năm 2020, ra mắt thêm 45 xã đạt chuẩn nông thôn mới.  Vào năm 2020, huyện Chợ Lách  phấn đấu đạt danh hiệu huyện Nông thôn mới; thành phố Bến Tre đạt danh hiệu đô thị nông thôn mới. Chủ trương của Bến Tre là nâng cao chất lượng xã nông thôn mới chứ không chạy theo số lượng. Trong đó, chú trọng vấn đề tăng thu nhập cho người dân thông qua các chương trình sinh kế. Ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre, cho biết:“Chúng tôi kết hợp nhiều giải pháp; giải pháp tuyên truyền cũng rất có ý nghĩa để cho người dân hiểu mục tiêu của việc tổ chức xây dựng nông thôn mới. Chủ đề quan trọng nhất là người dân phải là chủ thể xây dựng nông thôn mới; những vấn đề gì nhà nước làm, cái gì dân làm thì phân biệt rất rõ. Hướng tới là làm sao để tập trung nâng cao đời sống cho nhân dân. Chúng tôi cho rằng đó là điều quan trọng nhất, làm sao đổi mới bộ mặt, mức thu nhập nông dân; làm thế nào chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, theo chuỗi sản phẩm, nâng cao đời sống nhân dân”.

Xây dựng xã nông thôn mới là chủ trương lớn của Nhà nước, có ý nghĩa thiết thực, mang tính nhân văn sâu sắc. Với những thành quả đã đạt được cũng như kế hoạch khả thi của tỉnh Bến Tre trong thời gian tới sẽ góp phần cùng cả nước thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới để diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới và phát triển không ngừng.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác