Những nét đặc trưng của làng quê Bắc bộ

(VOV5) - Làng ở đồng bằng Bắc Bộ tập hợp những người cùng huyết thống hay cùng phương kế sinh nhai sinh sống trên một địa bàn nhất định. Sự gắn bó giữa con người ở  làng quê, không chỉ ở quan hệ sở hữu đất đai, những di  sản kiến trúc chung của làng, mà còn là sự gắn kết cộng đồng trong đời sống tâm linh, duy trì nếp sống cùng các chuẩn mực xã hội.

Nghe âm thanh tại đây:



Đồng bằng Bắc Bộ là vùng đất lịch sử lâu đời, là cái nôi hình thành văn hóa, văn minh của người Việt. Đây cũng là nơi bảo lưu nhiều giá trị văn hóa truyền thống. Cư dân vùng đồng bằng Bắc Bộ chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa nước, người dân sống hiền hòa với thiên nhiên, chịu nhiều ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo, Nho giáo, nặng ân tình, tin vào nhân quả, coi trọng thứ bậc trong gia đình xã hội... Trên nền tảng điều kiện tự nhiên và xã hội đó, mà cảnh quan, nếp sống của cư dân ở các làng quê Bắc Bộ dần được hình thành. Cảnh quan của làng Bắc bộ thường có lũy tre, cổng làng, đường làng, nhà ở và các công trình tôn giáo như: đình, chùa, miếu, phủ…

Những nét đặc trưng của làng quê Bắc bộ - ảnh 1
Làng Yên Lạc (xã Cần Kiệm, Thạch Thất, Hà Nội) hiện vẫn giữ được những nét bình yên của làng quê đồng bằng Bắc Bộ. Cây đa chín gốc của làng nằm trước đình, ngay cạnh bến sông Tích Giang. - Ảnh: Báo Kinh tế đô thị


Ở các làng quê Bắc bộ, hình ảnh cây đa cổ thụ tượng trưng cho sự trường tồn của thời gian, chứng kiến sự đổi thay của con người, của đất trời. Những cây đa thường được trồng ở đầu làng, cuối làng, giữa làng hay ở bên cạnh các di tích: đình, đền, chùa trong làng. Làng quê Bắc bộ có nhiều kiểu kiến trúc độc đáo như: những chiếc cầu ngói, cầu gạch, cầu xây bằng đá.. trước khi vào làng. Tuy nhiên, hình ảnh ấn tượng nhất chính là chiếc cổng làng. Cổng làng là bộ phận cấu thành không thể thiếu của làng quê cổ truyền vùng Bắc bộ. Cổng làng không chỉ là công trình kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu, mà còn ẩn chứa trong đó giá trị văn hóa. Tên làng và những câu đối trang trí ở cổng làng là câu chuyện kể về nguồn gốc, nếp sống văn hóa lịch sử, niềm tự hào của dân làng. Tiến sỹ Trần Hữu Sơn,  Hội văn nghệ dân gian Việt Nam, cho biết: "Cổng làng ra đời gắn liền với làng. Cổng làng từ thủa sơ khai ban đầu chỉ mang tính ước lệ, xác định ranh giới cho dân cư ra vào. Sau đó được vật thể hóa, xây dựng và khi kinh tế làng phát triển, trong làng hình thành các dòng họ những người nổi tiếng, danh gia vọng tộc, thì mới xuất hiện những cổng làng thật to, thật đẹp."


Đình làng là nét đặc trưng tiêu biểu nhất của làng quê Bắc Bộ. Đình làng là ngôi nhà chung to lớn, kiến trúc đẹp, trang trọng nhất làng. Đình làng thờ thành hoàng làng, người có công lập ấp mở mang nghề nghiệp chăm lo cho dân, hoặc có công đánh giặc giữ nước. Mỗi dịp lễ hội, dân làng tổ chức lễ rước kiệu sơn son thếp vàng trong tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng nhạc vang dội, diễn tả lại sự tích và công lao của Thành Hoàng. Lễ rước kiệu hội làng luôn tạo cảm xúc linh thiêng gắn bó đoàn kết  trong cộng đồng. Đình làng chứng kiến những sinh hoạt, lề thói và mọi đổi thay trong đời sống xã hội của làng quê.


Bên cạnh đình làng, hầu như làng nào cũng có chùa thờ Phật. Đã từ lâu, chùa gắn bó thân thiết trong đời sống tâm linh của dân làng. Chùa là nơi dân làng lễ bái, tu thân, trau dồi đức hạnh, để phúc đức lại cho con cháu. Thượng tọa Thích Tiến Đạt, trụ trì chùa Cự Đà, ngoại thành Hà Nội cho rằng:
"Phật giáo đã được truyền vào Việt Nam từ lâu đời, do đó ở nơi nào có dân, có làng thì ở đó có chùa, có đình, miếu và nó trở thành thiết chế văn hóa không thể thiếu được của đồng bằng Bắc bộ. Ngôi chùa là nơi sinh hoạt tâm linh tín, ngưỡng, là nơi gửi gắm niềm tin, ước vọng của dân làng trong cuộc sống. Phật giáo với chủ trương từ bi và trí tuệ, hướng con người ta hướng tới chân, thiện, mỹ , do đó ngôi chùa là chỗ dựa tinh thần văn hóa của người dân."  


Trong quần thể không gian kiến trúc của làng, giếng nước luôn được coi là chốn tâm linh. Bên giếng nước thường có miếu thờ thần. Vào ngày tuần hay dịp tế lễ, đình đám, dân làng đến đây đặt lễ cầu may và lấy nước buổi sớm ở giếng đem về thờ cúng.


Ở các làng Bắc bộ còn nhiều trình tâm linh khác như: đền, phủ, miếu. Theo tín ngưỡng dân gian, đền, phủ để thờ Mẫu, thờ Thánh, Thần, người có công với làng, còn miếu thờ có quy mô nhỏ hơn, thờ thần bảo vệ các thôn xóm.  


Nhà ở trong làng truyền thống mang nhiều giá trị về kiến trúc và tổ chức không gian. Xung quanh nhà thường có hàng rào cây dâm bụt, trước nhà có hàng cây cau trước nhà và những cây chuối trồng sau nhà. Tùy từng gia đình mà những ngôi nhà được dựng lên theo kích cỡ khác nhau. Nhà khá giả thì làm 5-7 gian, nhà nào khó khăn thì làm 3 gian 2 chái. Các ngôi nhà quần tụ bên nhau thành các chòm xóm, có cổng ngõ liên thông với nhau tạo gắn kết tình làng nghĩa xóm.


Mỗi làng đều có nghĩa địa riêng đặt ngoài làng. Một số làng có tục lệ chôn người chết ngay trên ruộng của gia đình, dòng họ. Người dân coi trọng khu vực này và rất chú trọng phong thủy của phần mộ.


Từ bao đời nay, hình ảnh làng truyền thống đã in sâu vào tâm trí, gắn bó với tâm hồn nhiều thế hệ người dân nước Việt. Cho dù ngày nay đã có nhiều đổi thay trong đời sống xã hội, nhưng nhiều làng quê vẫn giữ được nét đặc trưng tiêu biểu của làng quê Bắc Bộ.

Tin liên quan

Phản hồi

Nguyễn trương bảo trân

Bài này rất hay và đúng nghĩa

Các tin/bài khác