Phát triển nghề nuôi tôm trong điều kiện biến đổi khí hậu

(VOV5) - Vùng đồng bằng sông Cửu Long là vùng nuôi tôm lớn nhất của cả nước, chiếm 94% tổng diện tích nuôi và 81% sản lượng tôm của cả nước. Hiện nay nghề nuôi tôm ở đồng bằng sông Cửu Long đang gặp khó khăn do tác động của biến đổi khí hậu và mặn xâm nhập. 


Nghe nội dung bài viết tại đây:


Con tôm là sản phẩm chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam, chiếm tới một nửa tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu thủy sản, diện tích nuôi tôm khoảng 700.000 ha. Năm 2016, dự báo kim ngạch xuất khẩu tôm ước đạt 3,2 tỷ USD. Dự báo, tới năm 2025 kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam có thể đạt tới 8 tỷ USD.


Phát triển nghề nuôi tôm trong điều kiện biến đổi khí hậu - ảnh 1
Mô hình nuôi tôm nước lợ phát triển mạnh ở các địa phương

Việt Nam có 2 loại tôm chủ lực là tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Đồng bằng sông Cửu Long đã có mô hình nuôi tôm sú đỏ, tôm semisu catus, đều là những loại tôm phù hợp trong điều kiện mặn xâm nhập. Tiến sĩ Nguyễn Văn Sáng, Viện trưởng Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II, cho biết: "Quan trọng là công tác quy hoạch, thủy lợi cũng như cách tổ chức sản xuất cho vùng nuôi tôm. Với điều kiện mặn xâm nhập cao vùng nuôi tôm lúa có thể chuyển đổi theo hai hướng khác nhau. Một là tiếp tục duy trì mô hình tôm lúa, thứ hai là có thể nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến và một số vùng quảng canh cải tiến vẫn tiếp tục quảng canh cải tiến hoặc nuôi bán thâm canh và thâm canh. Đồng thời cũng cần các giải pháp như cải tiến công nghệ nuôi, tạo nguồn thức ăn tự nhiên trong mô hình nuôi rồi kiểm soát môi trường, dịch bệnh".

Các địa phương cũng đã đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ vào nuôi tôm để đạt hiệu quả kinh tế cao. Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ sớm ban hành một chương trình khoa học công nghệ dành riêng để nuôi tôm. Nuôi tôm phải bảo vệ được môi trường, đảm bảo sản phẩm đưa ra truy xuất được nguồn gốc, an toàn thực phẩm. Ông Đặng Quốc Tuấn, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Việt - Úc, một trong những Tập đoàn nuôi tôm giống lớn nhất Việt Nam, cho biết: "Tập đoàn Việt - Úc hiện nay sở hữu một số công nghệ nguồn. Công nghệ nguồn được định nghĩa là trong chuỗi giá trị ngành tôm, bắt đầu giống, thức ăn, nuôi trồng, chế biến để ra sản phẩm cuối cùng, đảm bảo phát triển bền vững ngành tôm. Chúng tôi đang ứng dụng công nghệ nuôi tôm nhà màng của Israel. Công nghệ này đảm bảo kiểm soát được môi trường về nhiệt độ, độ mặn, độ kèm, an toàn sinh học".


Phát triển nghề nuôi tôm trong điều kiện biến đổi khí hậu - ảnh 2
Con tôm mang lại hiệu quả kinh tế cao trong vũng bị nhiễm mặn

Nhiều mô hình nuôi tôm biển, nước ngọt thích ứng với biến đổi khí hậu và mặn xâm nhập ở Đồng bằng sông Cửu Long đang được triển khai và bước đầu phát huy hiệu quả. Các mô hình nuôi tôm quảng canh, tôm - rừng, tôm - lúa có ý nghĩa rất quan trọng do kỹ thuật đơn giản, chi phí sản xuất thấp, ít rủi ro, thân thiện môi trường, chất lượng sản phẩm cao. Mô hình nuôi tôm kết hợp lúa luân canh đang là mô hình trọng điểm trong điều kiện mặn xâm nhập. Đặc biệt, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh trong nhà kín đang được áp dụng rộng rãi, cho năng suất cao từ 20 - 40 tấn/ha. Một số mô hình nuôi tôm xen canh cũng đã được áp dụng, đem lại hiệu quả kinh tế. Tức là nuôi tôm trong ao, ruộng, rừng…, kết hợp nuôi cùng với các loại cá chịu mặn như cá dứa, cá bông lau, cá rô phi, cá giò, cá kèo hoặc một số thực vật thủy sinh khác. Tiến sĩ Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ nuôi trồng thủy sản, Tổng cục thủy sản, cho biết: “Những mô hình công nghệ để chúng ta nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu đó là những giải pháp thân thiện với môi trường. Tổng cục thủy sản quan tâm 2 giải pháp. Về con giống bên cạnh những con giống tăng trưởng và không bị bệnh chúng tôi mong muốn có những giống tôm kháng bệnh. Khâu thứ hai là khâu nuôi gồm công nghệ, thức ăn dinh dưỡng".

Việt Nam hiện nay có công nghệ sản xuất thức ăn nuôi tôm tiên tiến trên thế giới. Đáng chú ý là có công nghệ dùng vi sinh vật biển làm thức ăn nuôi tôm thay thế bột cá. Thức ăn này giúp tôm tăng trưởng tốt hơn, tiết kiệm, giảm chi phí thức ăn nuôi tôm và giảm thiểu nguy cơ tôm bị nhiễm bệnh. Thế giới hiện nay chỉ có 3 nước có công nghệ này là Việt Nam, Australia và Trung Quốc. 

Trong điều kiện mặn xâm nhập, các địa phương nuôi tôm đang đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất giống, đa dạng hóa đối tượng nuôi và mô hình nuôi tôm, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, tập huấn cho người nông dân nuôi tôm cũng được chú trọng để người nuôi tôm chủ động trong nuôi trồng thủy sản. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã xây dựng chiến lược để con tôm Việt Nam có thương hiệu, xứng với tiềm năng. Các giải pháp nuôi tôm được phối hợp thực hiện tốt đem lại hiệu quả cho người nuôi tôm vượt qua khó khăn, thách thức biến đổi khí hậu, mặn xâm nhập.

Phản hồi

Các tin/bài khác