Phước Cát vươn lên từ vùng đất khó

(VOV5) - Là một xã thuần nông, xã Phước Cát đang vươn mình trở thành một trong những địa phương đi đầu trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện Cát Tiên,  .

Năm 2015,xã cũng được tỉnh Lâm Đồng công nhận là xã điển hình trong phong trào xây dựng nông thôn mới .

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Từ năm 2005 trở lại đây, nhờ hệ thống thủy điện trên sông Đồng Nai điều tiết nước trong mùa mưa nên xã Phước Cát không còn bị lũ lụt nữa. Điều này tạo thuận lợi cho người dân ở Phước Cát trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, đặc biệt là sản xuất lúa nước trên vùng đất bồi, đất lầy ven sông. Từ chỗ thường xuyên nhận gạo cứu trợ của nhà nước, Phước Cát trở thành trung tâm sản xuất lúa giống và gạo mang thương hiệu “Lúa - Gạo Cát Tiên” đã được Cục Sơ hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận sở hữu xuất xứ hàng hóa.

Phước Cát vươn lên từ vùng đất khó - ảnh 1Cơ sở chế biến hạt điều của ông Bảy. 

Ông Lê Văn Bảy, Giám đốc Hợp tác xã thương mại dịch vụ Lê Gia kể rằng: Năm 1982, ông là một trong những người đầu tiên từ Bình Định vào Phước Cát, huyện Cát Tiên khai hoang lập nghiệp. Hơn 35 năm gắn bó với mảnh đất này, từ hai bàn tay trắng nay ông Bảy đã tạo dựng nên một cơ nghiệp vững chắc. Đi lên từ nông nghiệp, nhưng mấy năm lại đây ông Bảy chuyển sang làm dịch vụ, kinh doanh. Hợp tác xã Lê Gia của ông vừa sản xuất cây giống, cung ứng vật tư nông nghiệp, lại vừa thu mua chế biến hạt điều xuất khẩu.

Chỉ tính từ đầu năm đến nay, HTX Lê Gia  đã thu mua của bà con nông dân trong vùng hơn 600 tấn hạt điều để chế biến, xuất khẩu. Ông Bảy đã tạo việc làm với thu nhập ổn định cho 80 lao động. "Mình cũng có cái may nắn hơn so với một số người là các xã viên chăm chỉ lao động. Có được kết quả này, trước hết là phải có tinh thần trách nhiệm với những người xung quanh, với làng xóm của mình, kể cả mấy thành viên của hợp tác xã. Phải biết nâng đỡ nhau khi các xã viên  đang thiếu, đang có nhu cầu trong cuộc sống. Cao điểm nhất, HTX có đến 120 lao động làm việc trong hợp tác xã. Có nhiều lao động với trách nhiệm công việc nặng nhọc hơn nên lương cũng cao hơn so với các xã viên khác. Nhưng bình quân các xã viên tại HTX đạt 4 triệu rưỡi mỗi người một tháng."

Một nhân vật tiêu biểu nữa đó là ông Nguyễn Văn Thịnh, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Phước Cát. Năm 2010, từ một trạm xay xát nhỏ, nay HTX của ông Thinh trở thành nhà máy chế biến lúa gạo với công xuất 18.000 tấn/năm. 6 tháng đầu năm nay đã cung ứng ra thị trường gần 10 nghìn tấn gạo mang thương hiệu “Gạo Cát Tiên”.

Trang trại nuôi lợn của ông Thịnh cũng không ngừng phát triển. Bình quân mỗi tháng xuất chuồng 8 tấn thịt lợn, thu trên 50 triệu tiền lãi. Ông Thịnh là người tiêu biểu về công tác từ thiện của huyện Cát Tiên. Làm giàu cho mình, nhưng không quên giúp đỡ bà con thôn xóm, đặc biệt là các hội viên hội cựu chiến binh, tạo nguồn vốn, bố trí việc làm cho họ vươn lên thoát nghèo.

Phước Cát vươn lên từ vùng đất khó - ảnh 2 Cơ sở nuôi tằm của ông Nguyễn Văn Thịnh.

Hai năm lại đây, ông Thịnh  mở thêm ngành nghề sản xuất kinh doanh mới. Đó là trồng dâu, nuôi tằm. Hiện Hợp tác xã Phước Cát của ông Thịnh đã có 12 ha đất trồng dâu và trang trại nuôi tằm được xây dựng khép kín, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân trong vùng: "Hướng thời gian tới của hợp tác xã thì trước mắt làm sao nuôi tằm đạt hiệu quả. Còn việc giải quyết về lao động  ở địa phương thì đi từng bước một, đạt hiệu quả thì HTX sẽ mở mang thêm, thu hút được những lao động nhất định. Trong giai đoạn vừa rồi thì hợp tác xã cũng đã giải quyết công ăn việc làm với mức lương rất hấp dẫn với bà con ở địa phương nên bà con rất hưởng ứng giúp xây dựng hợp tác xã."

Ông Võ Trung Linh, Chủ tịch UBND thị trấn Phước Cát, cho biết thu nhập bình quân của người dân trong thị trấn năm 2018 đạt 48 triệu đồng, năm 2019 này phấn đấu đạt trên 50 triệu đồng. Tuy nhiên nguồn thu nhập này chủ yếu từ việc sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là từ việc sản xuất cung ứng lúa giống và gạo đặc sản. "Định hướng của địa phương hiện nay đang giảm dần cơ cấu kinh tế của ngành nông nghiệp. Mặc dù đa phần bà con làm nông nghiệp, tuy nhiên chúng tôi đang thực hiện theo hướng chuyển đổi tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu ngành. Vì đối với thị trấn Phước Cát có tiềm năng phát triển về dịch vụ. Trong đó hiện nay tỉnh đã có hướng hỗ trợ mở tuyến du lịch ở 3 điểm trên địa bàn là khảo cổ Cát Tiên, đến Khu uỷ khu 6 và Chùa gỗ Phước Cát.

Giữa năm 2018, Phước Cát  được Ủy Ban Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết thành lập thị trấn Phước Cát, một đô  thị mới đã được hình thành nằm giữa vùng đất giáp ranh 3 tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai và Bình Phước. Phước Cát bây giờ đã là thị trấn. Nhà cao tầng mọc lên, các trục phố chính đã có đèn chiếu sáng. Một đô thị mới đã hình thành ở một vùng nông thôn hẻo lánh.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc, phó Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên, cho rằng: Phước Cát có đủ điều kiện để tiếp tục vươn lên trở thành điểm sáng tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới của huyện Cát Tiên: "Về thực hiện chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới trước đây  xã Phước Cát có điều kiện phát triển nông nghiệp và phát triển thương mại dịch vụ. Về nông nghiệp thì Phước Cát có diện tích đất  phù sa ven sông phù hợp phát triển trồng lúa nước, với cây dâu tằm và cây ăn quả. Đảng uỷ xã đã tập trung chỉ đạo chuyển đổi cây trồng, tập trung đầu tư thâm canh tăng năng suất. Về phát triển thương mại dịch vụ thì Phước Cát có điều kiện thuận lợi  việc giao thương kinh doanh hàng hoá và phát triển dịch vụ chế biến như chế biến như điều, lúa gạo."

Vùng đất khó Phước Cát giờ đã thay đổi, khi trên địa bàn xã xuất hiện nhiều những mô hình nổi trội trong phát triển kinh tế địa phương, như mô hình nuôi bò, phát triển mô hình nuôi dâu tằm. Cùng với đó, xã Phước Cát có thôn buôn đồng bào dân tộc thiểu số ở xã, ở huyện, luôn tập trung chỉ đạo thúc đẩy phát triển thổ cẩm và sản xuất rượu cần phục vụ cho khách du lịch. Đây cũng là một trong những hướng đi mới trong phong trào xây dựng nông thôn mới tại xã Phước Cát.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác