Đặc sắc nghệ thuật bài chòi Trung bộ

(VOV5) - Nghệ thuật bài chòi là một trong những hình thức nghệ thuật sân khấu dân tộc đặc sắc, được phát triển từ trò chơi bài chòi.

Bài chòi là trò chơi dân gian mộc mạc, mang hơi thở cuộc sống của cộng đồng dân cư. Và trên hết, bài chòi là ký ức văn hóa, lưu giữ bản sắc của người dân bản xứ. Với những giá trị văn hóa nghệ thuật và sức sống mạnh mẽ được cộng đồng cư dân miền Trung gìn giữ, ngày 7/12 vừa qua, nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam đã chính thức được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đặc sắc nghệ thuật bài chòi Trung bộ - ảnh 1

Một tiết mục hô hát Bài Chòi được biểu diễn tại Hội An

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Nghệ thuật bài chòi là một trong những hình thức nghệ thuật sân khấu dân tộc đặc sắc, được phát triển từ trò chơi bài chòi. Bài chòi từ hô tên quân bài làm vui ở hội chơi, dần phát triển thành các tiết mục hát rồi diễn xướng dân gian với hình thức kể chuyện và trở thành nghệ thuật sân khấu bài chòi.

Không ai biết chính xác hội bài chòi xuất hiện vào thời điểm nào. Tuy nhiên, từ khoảng 300–400 năm trước đây, loại hình vui chơi này đã được tổ chức thường xuyên ở các tỉnh Thừa Thiên – Huế vào những dịp lễ hội ngày xuân. Bắt nguồn từ quá trình lao động sản xuất và sự sáng tạo, trong nhiều thế kỷ qua, nghệ thuật bài chòi đã dần trở thành nếp sinh hoạt văn hóa, là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân miền Trung.

Nhà nghiên cứu Phùng Sơn cho biết: Trong chơi bài chòi, người chơi ngồi ở trong chòi để đánh. Người hô tên con bài – gọi là anh hiệu, sẽ rút con bài ra rồi đọc tên con bài đó. Những người ngồi dưới, ai sở hữu con bài đó sẽ giơ tay lên để nhận cờ. Sau này trò chơi được tăng thêm phần thú vị, người hiệu phải hát lên 1 câu trước khi nói tên con bài – như thế người chơi cũng được thưởng thức văn nghệ. Từ đó, những bài chơi hát lên được gọi là bài thai, đó là những câu thơ nhưng chưa đủ tiêu chí về nghệ thuật. Trò chơi thú vị nhưng đòi hỏi sự nhiêu khê trong khâu tổ chức. Vì vậy khi phục hồi lại loại hình đó, gọi là bài chòi để giữ tên gốc, nhưng thực tế đã được pha với tên bài thai

Bài chòi là môn nghệ thuật đa dạng, kết hợp giữa âm nhạc, thơ ca, diễn xuất, hội họa và văn học. Về cơ bản, bài chòi là sân chơi của những ván cờ. Mỗi ván gồm có 30 quân cờ với 30 tên gọi khác nhau, được chia thành 10 loại thẻ gỗ. Người chơi sẽ được chọn mua các loại thẻ đó. Cuộc chơi bắt đầu diễn ra khi anh hiệu (người hô bài) bước đến ống thẻ cái, xóc đi xóc lại rồi chậm rãi rút từng con bài. Mỗi lần rút bài, anh hiệu sẽ đọc tên quân bài đó. Người nào ăn đủ 3 con (được 3 cờ) thì xem như thắng cuộc.

Vào xuất cờ, mọi người đều chăm chú và thích thú lắng nghe những điệu hát trước khi anh hiệu hô câu thai mang tên quân bài. Anh hiệu giỏi thường khéo léo hô một cách chậm rãi, khiến người nghe hồi hộp chờ đợi rồi đoán già đoán non đó là con bài gì. Đối với những người chơi, chuyện được – thua không quan trọng mà thú vị ở chỗ họ cùng thưởng thức những câu hát trầm bổng, nhịp nhàng, du dương như đọc thơ vậy.

Thu Sang - diễn viên của Trung tâm Văn hóa Thể thao Hội An chia sẻ: Đây là một hoạt động văn hóa. Những câu chúng tôi hát đều rất vui, mình hát đối đáp với nhau và diễn rất hài hước. Có những câu như hò vè, hát đối, hát ghẹo… và thường hát 2 người sẽ vui hơn. 

 Theo nhà nghiên cứu Phùng Sơn, bài chòi thu hút các vị khách quốc tế bởi các sân chơi đã được tái hiện theo đúng lối cổ và rất màu sắc. Bên cạnh đó, trong dàn nhạc bài chòi có tiếng trống cuốn hút những người mê nhạc jazz với tiếng trống là chủ lực. Chính vì vậy những người nước ngoài dù không hiểu lời bài hát nhưng lại bị say mê chất nhạc của bài chòi.

Hiện nay, để bài chòi gần gũi và dễ hiểu hơn đối với du khách Việt, những lời cổ của bài chòi đã được thay thế bằng lời mới, như lời ông Phùng Sơn: Khi phục hồi lại, thì phải có lực lượng biên tập, sáng tác những lời mới. Bởi những làn điệu dân ca là cố định rồi, nhưng lời mới với những nội dung phản ánh thực tế của hiện tại. Những lời cổ đôi khi rất khó hiểu, nên khi viết bài chòi tôi cố gắng đưa ra những tình huống xuất hiện thường xuyên trong cuộc sống. Thêm nữa, để chất dân ca đậm đặc, tôi không dám làm thơ, bởi bài chòi thường dùng những câu lục bát hoặc lục bát biến thể. Thế nên, nếu mình dùng lời mới quá thì chất dân ca mất đi, mà tôi chọn những câu ca dao đã có sẵn âm điệu, rồi từ những câu ca dao đó mình phát triển thêm để đưa vào con bài, như thế vẫn giữ nguyên được chất dân ca, du dương.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác