Đặc sắc những điệu lý dân ca Bình Trị Thiên

(VOV5) - Nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian Dương Bích Hà, giảng viên Học viện âm nhạc Huế phân tích về quá trình hình thành, phát triển cũng như cái hay cái đẹp của các điệu Lý dân ca Bình Trị Thiên.

Bình Trị Thiên, mảnh đất như chiếc đòn gánh, gánh hai đầu đất nước không chỉ có rừng vàng, biển bạc, những con người thủy chung son sắt lập nên bao kỳ tích anh hùng mà vùng đất này còn có một trầm tích văn hóa vô cùng phong phú đa dạng. Riêng dân ca và nhạc cổ truyền chúng ta không chỉ nhắc đến dòng âm nhạc bác học như Ca Huế, nhã nhạc cung đình Huế hay những điệu hò rộn ràng, tình tứ, rung ngân tha thiết mà những điệu Lý của vùng đấy này cũng vô cùng phong phú, đặc sắc.

Đặc sắc những điệu lý dân ca Bình Trị Thiên - ảnh 1

Nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian Dương Bích Hà

Nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian Dương Bích Hà, giảng viên Học viện âm nhạc Huế phân tích về quá trình hình thành, phát triển cũng như cái hay cái đẹp của các điệu Lý dân ca Bình Trị Thiên.

Nghe nội dung phỏng vấn và các điệu Lý tại đây:

BTV: Chào Nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian Dương Bích Hà. Bà có thể giới thiệu cho thính giả của Đài TNVN biết đôi nét: Lý là gì? Vì sao gọi là Lý?

Nhạc sĩ Dương Bích Hà: Có người gọi Lý là láy. Nhiều nhà nghiên cứu đã phân tích, đặt ra những giả thiết. Chúng tôi là người đi sau, chúng tôi nghiên cứu ý kiến của những chuyên gia, nhà nghiên cứu đi trước, kết hợp với thực tế đi điền dã, trực tiếp gặp nghệ nhân để thu âm. Chúng tôi rút ra rằng – Lý tức là hát, đơn giản vậy thôi. Đó là một điệu hát của người dân miền Truung, Nam bộ. Một điệu Lý vừa là một thể loại, vừa là một thể thức. Tức là vừa mang nội dung tâm tư tình cảm tự sự, vừa có kết cấu của thể thức ngắn gọn, súc tích, sư dụng 1 hoặc 2 cặp lục bát vào trong điệu hát. Nó có thể sử dụng thêm những hư từ luyến láy, những âm điệp từ gần như một thể loại âm nhạc độc lập. Lý Huế còn có đặc điểm nữa là nó không có môi trường diễn xướng đặc hữu, ví dụ như khi một người mẹ ôm con cũng vẫn có thể Lý, ngồi 1 mình buồn cũng có thể Lý…

BTV: Quá trình hình thành và phát triển của các làn điệu Lý vùng đất Bình Trị Thiên như thế nào thưa bà?

Nhạc sĩ Dương Bích Hà: Dân ca Bình Trị Thiên rất đa dạng, hò, vè, Lý, hầu văn, ngâm thơ… Về Lý, từ trước đến nay mọi người đều nói tới Ca Huế là nhiều, còn Lý thì ít người đề cập. Trong một công trình nghiên cứu năm 1997, tôi có tìm hiểu thể loại Lý với mong muốn Lý có thể đứng ngang tầm các thể loại khác trong vùng âm nhạc dân gian Huế. Người ta vẫn thường quan niệm Lý là hát – một điều hát của người miền Trung, miền Nam. Theo dòng di cư từ Bắc vào, những điệu hát xoan, ghẹo… theo dòng di cư vào để mở rộng bờ cõi phía Nam, đến Huế thì một số thể loại giao thoa, xen lẫn giọng nói của các vùng đất, văn hóa… của con người xứ Huế, vốn là đất Chiêm Thành. Chính vì vậy âm nhạc Chiêm Thành và âm nhạc của các thể loại khác hòa quyện với nhau, để hình thành nên một thể loại mới là Lý. Giữa Lý và Ca Huế, nếu người nghe không sành sẽ rất khó phân biệt bởi vì hai thể loại này vừa có tính chất bác học, vừa có tính chất dân gian, nó cứ hòa quyeenjv ới nhau, bảng lảng như vậy làm người nghe khó phân định. Cả 2 thể loại đều có cấu trúc ngắn gọn, khúc thức, vuông vắn, lời lẽ tinh tế sâu sắc, giai điệu đẹp. Thậm chí trong Lý cũng có những thể loại của Ca Huế bị nhầm sang.

BTV: Thưa nhà nghiên cứu Dương Bích Hà, bà có thể nói rõ hơn về đặc điểm của các điệu Lý vùng đất Bình Trị Thiên, để người nghe có thể nắm bắt được những nét riêng có của thể loại hát đặc sắc này?

Nhạc sĩ Dương Bích Hà: Trong Lý có đặc điểm nổi trội mà dân ca các vùng miền khác cũng có thể có. Đó là, một làn điệu Lý có thể có nhiều tên, hoặc một nội dung mà lại có nhiều cách hát khác nhau, chưa kể đến những dị bản, tạo nên cho Lý sự đa dạng. Và khi theo những bước chân Nam tiến, tiến dần về phía Nam, Lý nở rộ và có nhiều làn điệu, bài bản Lý bị nhầm tưởng là nguồn gốc Nam bộ. Thực tế thì Lý xuất phát từ Huế. Hai bên có thể có sự giống nhau về nội dung, ý tứ, nhưng khác nhau rất rõ ở chỗ Lý Huế rất sang trọng tinh tế, nhưng Lý Nam bộ thì rất đơn giản mộc mạc. Lý Nam bộ có thể lý cây chanh, cây ổi, con ốc, con cua, nhưng Lý Huế thì thường thiên về tâm tư, với nội dung miêu tả những cảm xúc, thăng trầm của cuộc sống, tình cảm của con người đối với tất cả mọi thứ xung quanh.

BTV: Vâng xin cảm ơn nhạc sĩ, nhà nghiên cứu Dương Bích Hà.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác