Hà Nội trong ca khúc của các tác giả trẻ

(VOV5) - Yêu Hà Nội giống như một tình yêu thường trực trong lòng người Việt Nam, nhất là đối với những người đã sống ở Hà Nội, hay ít nhất đã có dịp gắn bó với mảnh đất này.

Ai cũng có một quê nhà để nhớ nhung, khắc khoải khi đi xa. Nhưng có lẽ đối với mỗi người Việt Nam, địa danh Hà Nội luôn để lại một ấn tượng thật đặc biệt, dẫu cho ai đó chưa một lần có dịp đặt chân lên đất kinh kỳ. Yêu Hà Nội giống như một tình yêu thường trực trong lòng người Việt Nam, nhất là đối với những người đã sống ở Hà Nội, hay ít nhất đã có dịp gắn bó với mảnh đất này.

Hà Nội trong ca khúc của các tác giả trẻ - ảnh 1

Ảnh: zing.vn

Nghe âm thanh bài viết và các ca khúc tại đây:

Trong ca khúc Nồng nàn Hà Nội của nhạc sĩ Nguyễn Đức Cường, một Hà Nội quá đỗi gần gũi, thân quen được phác họa trong ca khúc, bắt đầu từ những hình ảnh buổi sáng sớm khi mọi người tập thể dục, từ cụ già đến các em nhỏ đều hào hứng đón chờ một ngày mới, cho đến khi ánh sáng mặt trời ló rạng, phố sáng đông dần lên… Dù là một tác phẩm âm nhạc nhưng người nghe cảm nhận được chất thơ, chất họa trong ca khúc này.

Nguyễn Đức Cường  sáng tác bài hát này trong một lần đi diễn ở xa, khi về đến Hà Nội đã tờ mờ sáng. Một chút lãng mạn của mùa thu, một chút se lạnh, một chút yên bình và êm đềm đã cho anh những cảm xúc để viết lên ca khúc Nồng nàn Hà Nội.Nguyễn Đức Cường chia sẻ: "Với góc nhìn của một người trẻ thì rõ ràng một Hà Nội trẻ trung, đầy chất lãng mạn nhưng cũng đầy sôi động. Các cặp đôi yêu nhau, đưa nhau đi ăn uống, dạo qua phố phường, có thể ngồi ở một quán ăn vỉa hè, không cần những nơi sang trọng nhưng họ vẫn tìm thấy tình yêu đôi lứa qua những sắc màu rất đặc trưng của Hà Nội. Có những địa điểm những bạn trẻ đi qua để lại dấu ấn, luôn luôn là những cảm xúc rất dâng trào".

Một ca khúc khác về Hà Nội, ngay từ khi ra đời đã có sức hút đối với giới trẻ bởi tiết tấu nhanh, mạnh cùng những ca từ quen thuộc, giản dị - đó là ca khúc Hà Nội trà đá, vỉa hè của Đinh Mạnh Ninh. Chủ đề bài hát là nhịp sống quen thuộc của người Hà Nội. Ngay cả câu kết “Hà Nội không vội được đâu” vừa dí dỏm, hài hước vừa phản ánh thực tế lại vừa là lời nhắc nhở khiến không ít bạn trẻ giật mình, nhìn lại bản thân.

Bài hát Hà Nội trà đá, vỉa hè cũng là một hiện tượng của Bài hát Việt năm 2012. Chàng ca sĩ sinh năm 1989 sáng tác ca khúc này với quan niệm: Tới Hà Nội phải uống trà đá vỉa hè ở ngoài đường mới gọi là đã đến Hà Nội, cảm nhận hết không khí của Hà Nội. Trà đá vỉa hè làm nên một nét văn hóa, đặc trưng của Hà Nội mà không phải ai cũng có thể khéo léo đưa vào âm nhạc đậm chất thơ và họa như Đinh Mạnh Ninh. Tác giả ca khúc tâm sự: "Tư tưởng sáng tác của tôi là lấy chính cuộc sống xung quanh để đưa vào âm nhạc, làm cho nó có ý thơ ý văn nhiều hơn. Những ca từ trong bài Hà Nội trà đá vỉa hè cũng là ngôn ngữ đường phố nhưng đã được chắt lọc và giai điệu hóa. Khi muốn âm nhạc về Hà Nội ở thế hệ mình thì phải thực tế, nhưng không bỗ bã mà dân dã nhưng đã được chắt lọc. Tôi đã cố gắng đưa những lời lẽ gần gũi nhất với những bạn trẻ thuộc thế hệ của tôi".

Nhắc đến những sáng tác về Hà Nội trong thời gian gần đây thì nữ nhạc sĩ Trịnh Minh Hiền cũng là một đại diện tiêu biểu. Ca khúc Gọi tôi Hà Nội đã mang đến cho công chúng một “món ăn lạ” thông qua ca từ, giai điệu và khẳng định một phong cách rất riêng. Trong Gọi tôi Hà Nội, Thủ đô hiện lên qua vẻ đẹp cổ kính của một thời đã xa với những nét đặc trưng như tàu điện, chiếc đồng hồ trên nóc Bưu điện Thành phố, kem Bodega và áo bông trời lạnh; Hà Nội với những địa danh quen thuộc như Hồ Tây, Cà phê Nhân trên phố Hàng Hành, Hiệu ảnh quốc tế bên Hồ Gươm...

Hà Nội trong con mắt của những nghệ sĩ trẻ luôn đẹp và gợi hình. Trong ca khúc Hà Nội của tôi của nhạc sĩ Tiến Minh, những giai điệu như cuốn người nghe vào ký ức, vào những kỷ niệm. Ca khúc này, nhạc sĩ Tiến Minh ấp ủ và viết cho vở kịch “Hà My của tôi” của Nhà hát Kịch Hà Nội. Bài hát qua góc nhìn của một nhạc sĩ sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, cảm nhận về một Hà Nội những năm 70 nhưng lại rất gần gũi với giới trẻ. Hà Nội trong ca khúc là sự hoài niệm của tác giả Tiến Minh về một mùa thu, về những con phố xưa, về tình yêu rất đỗi nhẹ nhàng của một đôi trai gái. Xúc cảm hoài niệm lúc thoảng qua, lúc dồn dập, lúc dịu dàng, lúc mãnh liệt.

Ngay cả tác giả ca khúc cũng phải thừa nhận: "Bản thân tôi cũng không lý giải được vì sao mình lại nghĩ ra được những ca từ trong bài hát, ví dụ “Đạp xe đón em bom giật trên mái phố”. Phần giai điệu nữa. Đây là ca khúc viết về Hà Nội những năm 70 nhưng năm bom bắn phá. Bản thân mình k được trải qua giai đoạn đó, mình chỉ nghe kể lại thôi. Khi viết bài này, tôi có rất nhiều cảm xúc…".

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác