Nhạc sĩ Huy Du và những bản tình ca người lính

(VOV5) - Là người nhạc sĩ mặc áo lính, hầu hết tác phẩm của Huy Du được sáng tác từ thực tế của cuộc kháng chiến cứu nước hào hùng của dân tộc, từ cuộc sống của nhân dân trong xây dựng hòa bình.

Trong lịch sử âm nhạc cách mạng Việt Nam, các sáng tác vừa trữ tình, vừa hào sảng, ca từ giàu hình ảnh, đã đưa cố nhạc sĩ Huy Du trở thành một trong những đại diện tiêu biểu của dòng nhạc truyền thống. Những nhạc phẩm của ông vừa giản dị, vừa dễ nghe, dễ hát, lại sâu sắc, triết lý. Đặc biệt là dẫu ở những bản hành khúc, tráng ca về người lính, người ta vẫn nghe thấy sự mượt mà, hồn hậu trong âm nhạc của ông. 

Nhạc sĩ Huy Du và những bản tình ca người lính - ảnh 1

Cố nhạc sĩ Huy Du

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Những nốt nhạc mượt mà, mềm mại, sáng trong của ca khúc Tình em, từ lâu đã đi sâu vào tiềm thức bao thế hệ yêu nhạc Việt Nam. Nhưng ít ai biết rằng những lời ca đắm say, lãng mạn ấy lại được nhạc sĩ Huy Du viết trong những năm gian khổ nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nhạc phẩm là tiếng lòng của người lính gửi người yêu ở hậu phương...

Không chỉ có “Tình em”, nói đến nhạc sĩ Huy Du, không ai có thể quên những nhạc phẩm hào hùng mà thấm đẫm chất trữ tình của ông như: “Đường chúng ta đi”, “Trên đỉnh Trường Sơn ta hát”, “Đêm Trường Sơn”, “Anh vẫn hành quân”, “Chưa hết giặc ta chưa về”, “Nổi lửa lên em”... Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, chia sẻ: "Ông là một người kết hợp được sự trữ tình với sự hùng tráng rất nhuần nhuyễn, cho nên là nghe âm nhạc của Huy Du mới nghe thì cho người ta cảm giác hùng tráng nhưng càng nghe lại cho thấy chất trữ tình. Đó là đặc điểm trong âm nhạc của Huy Du. Ông cũng phổ của tôi một bài thơ là “Chiều không em”, nếu nói về nghiêm ngặt về âm nhạc thì đấy là một ca khúc rất hay, nhiều nhạc sĩ cũng thời rất khen".

Là người con của đất Kinh Bắc, nhạc sĩ Huy Du lớn lên cùng những giai điệu dân ca ngọt ngào. Chẳng thế mà trong hồi ký của mình, nhạc sĩ tâm sự: “Ảnh hưởng lớn nhất đến sáng tác của tôi chính là nơi đã sinh ra tôi, quê hương của những bài ca quan họ. Điệu hát ca trù trong những tiếng đàn đáy, tiếng phách, tiếng hát ả đào vẫn còn vang đâu đây…”.

Là người nhạc sĩ mặc áo lính, hầu hết tác phẩm của Huy Du được sáng tác từ thực tế của cuộc kháng chiến cứu nước hào hùng của dân tộc, từ cuộc sống của nhân dân trong xây dựng hòa bình. Ông đã có mặt ở đường 9 Khe Sanh, trên những nẻo đường Trường Sơn, cùng người chiến sĩ hành quân ra trận, đến với hải đảo xa xôi để có những ca khúc để đời: “Bế Văn Đàn sống mãi”, “Cùng anh tiến quân trên đường dài”, “Bạch Long Vĩ, đảo quê hương”, “Có chúng tôi trên hải đảo xa xôi”, “Trên đỉnh Trường Sơn ta hát”... 

Ai đã từng gặp nhạc sĩ Huy Du, đã nghe nhạc của ông đều thấy ông là người sống tình cảm, lạc quan. Chính tính cách, tâm hồn đó đã tạo cho âm nhạc Huy Du một chất trữ tình nồng hậu. Thế nên dẫu ở những bản hành khúc, tráng ca người ta vẫn nghe thấy sự mượt mà, hồn hậu ở ông. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho rằng: "Ông là một nhạc sĩ rất đa dạng, ngay từ những năm 60 ông đã có những bài như “Mộc miên hoa ơi” về tình hữu nghị Việt Nam – Trung Hoa rất trữ tình, rất nổi tiếng. Trước đó thì có những bài như ai về Thủ đô cho gửi vài lời/ Tây hồ mờ xa là nhà tôi đó… đó là dòng âm nhạc lãng mạn, nó vừa thành thị nhưng cũng có tính chất lãng mạn".

Trong sự nghiệp sáng tác của mình, Huy Du đã để lại cho đời một gia tài âm nhạc đồ sộ cả về số lượng và chất lượng với gần 400 ca khúc, hợp xướng cùng nhiều nhạc phẩm thính phòng, giao hưởng… có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống văn hóa- tinh thần của người Việt Nam suốt nửa sau thế kỷ 20. Đặc biệt, các ca khúc ngắn gọn, súc tích, chặt chẽ nhưng cũng rất mềm mại trong âm hưởng dân ca đã thực sự làm nên một phong cách riêng Huy Du và góp phần không nhỏ động viên bộ đội và nhân dân kháng chiến thắng lợi. Bà Cao Ngọc Ánh, Trưởng đoàn ca múa nhạc, Nhà hát tuổi trẻ cho biết: "Mặc dù là ông hô khẩu hiệu “chưa hết giặc thì ta chưa về”, nhưng khi âm nhạc, giai điệu đó vang lên thì nó lại rất kêu gọi, rất thắm thiết. Chúng tôi thỏa sức sáng tạo, ví dụ như bài “Anh vẫn hành quân” thì có thể như các chương trình từng xem nó được phối khí rầm rầm như những đoàn quân, bừng bừng trên sân khấu, nhưng với tôi lại là như nhạc sĩ đang nằm trên võng giữa rừng Trường Sơn và đang nghe tiếng hành quân của đồng đội từ xa xa vọng lại"...

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác