Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương - những thanh âm còn mãi

(VOV5) - "Nói tới Nguyễn Văn Thương phải nói tới tâm hồn Nguyễn Văn Thương, năng lực của Nguyễn Văn Thương"...

Giáo sư, Nhạc sĩ, NSND Nguyễn Văn Thương là một nhạc sĩ nổi tiếng, thuộc thế hệ đầu tiên của tân nhạc Việt Nam. Nhắc đến ông, người yêu nhạc thường nhớ ngay đến “Trên sông Hương”, “Đêm đông”, “Bình Trị Thiên khói lửa”, “Dân ta đánh giặc anh hùng”… cùng một di sản âm nhạc đồ sộ với nhiều bản khí nhạc đáng nể. Kỉ niệm 100 năm ngày sinh của ông 22/5/1919, mời quý vị cùng thưởng thức một số tác phẩm còn mãi với thời gian của người nhạc sĩ tài hoa.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương - những thanh âm còn mãi - ảnh 1

Nghe âm thanh chương trình tại đây:

... Sinh thời, trong gia tài âm nhạc của mình, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương dành nhiều tình cảm cho một ca khúc viết về một người phụ nữ đặc biệt của cuộc đời mình. Ca khúc này được ông viết trong giai đoạn khi đang học tập tại nước Đức xa xôi.  Nghệ sĩ ưu tú Đặng Thị Thanh Hảo, vợ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương nhớ lại: "Đó là năm 1970, khi ấy anh Thương đang ở Đức. Anh Thương xa gia đình 25 năm không có tin tức. Hôm ấy là một ngày mùa đông lạnh lẽo, anh Thương nói sao nhớ nhà quá, và ngồi viết bản nhạc Thư xa gửi mẹ. Đến năm 1971, học xong trở về, anh hát cho chúng tôi nghe, đến câu Mẹ ơi ngày mai siết bao tủi mừng khi nghe lại câu hát mẹ từng ru con, anh đã khóc òa. Đến năm 1975 giải phóng miền Nam, anh được về thăm gia đình. Về đến nơi mới biết mẹ đã mất. Anh hỏi ngay có phải mẹ mất hồi đầu năm 1970 không. Ở nhà hỏi tại sao anh lại biết? Anh không nói gì cả mà chỉ nghĩ trong lòng tình mẫu tử thật thiêng liêng – đúng vào ngày mình cảm thấy đau đớn trong lòng và viết bài Thư xa gửi mẹ thì ở nhà mẹ mất"... 

Bên cạnh sáng tác, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương còn có nhiều đóng góp lớn trong sự nghiệp quản lý và đào tạo âm nhạc nước nhà. Từ năm 1979 đến 1983 ông làm giám đốc Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam và Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), là người thầy của nhiều thế hệ nghệ sĩ. NSND Quang Thọ, người từng được nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương phát hiện tài năng và dìu dắt từ những ngày bắt đầu sự nghiệp âm nhạc xúc động nói: "Không bao giờ tôi có thể quên được thầy Nguyễn Văn Thương. Chúng tôi đã gọi thầy là ba Thương, và gọi cô là má Hảo. Rất nhiều  nghệ sĩ như Quang Huy, Dương Minh Đức, Lệ Quyên, Ái Vân… những học trò ngày trước được thầy đưa về nhà hát, chúng tôi đều gọi ba Thương, má Hảo. Nếu không có thầy, chắc rằng tôi sẽ không bao giờ có được đời sống âm nhạc như thế này".

Với những đóng góp cho nền âm nhạc Việt Nam, Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương đã được Nhà nước phong tặng nhiều huân, huy chương, nhiều danh hiệu và giải thưởng cao quý như: Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Nghệ sĩ Nhân dân, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật. Giờ đây, khi nhớ đến người đồng nghiệp của mình, nhạc sĩ Chu Minh – người đã cùng với nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương là những người đặt nền móng đầu tiên cho sự phát triển của Nhà hát Ca múa nhạc VN sau này, chia sẻ: "Tôi gặp Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương cách đây hơn 60 năm. Anh Thương khi ấy là đàn anh của tôi. Anh ấy là người đầu tiên khởi nghiệp cho Nhà hát ca múa nhạc ngày nay. Anh Thương người có năng lực, lại rất hiền hòa, không bao giờ nổi nóng. Anh rất kiên nhẫn và bền bỉ, trong những lúc gian khó nhất, anh luôn điềm đĩnh và giúp đỡ anh em chúng tôi trưởng thành. Nói tới Nguyễn Văn Thương phải nói tới tâm hồn Nguyễn Văn Thương, năng lực của Nguyễn Văn Thương"...

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác