Hoàng Thành Thăng Long - di sản văn hoá thế giới

(VOV5) -  Hoàng thành Thăng Long là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long Hà Nội. Công trình kiến trúc này được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử, trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam. Năm 2010, khu di tích Hoàng thành Thăng Long của Việt nam  đã được Tổ chức khoa học và giáo dục của Liên Hợp Quốc ( UNESCO)  công nhận là Di sản văn hóa thế giới. 

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 Cách đây hơn 10 thế kỷ, khi dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về thành Đại La, vua Lý Công Uẩn ( Lý Thái Tổ) đã cho xây dựng lại thành Thăng Long trên nền của toà thành Đại La cũ. Thành Thăng Long gồm: Vòng ngoài cùng gọi là La thành hay Kinh thành. Vòng thành thứ hai (ở giữa) là Hoàng thành, là nơi ở và làm việc của các quan lại trong triều. Thành nhỏ nhất ở trong cùng là Tử Cấm thành, nơi chỉ dành cho vua, hoàng hậu và số ít cung tần mỹ nữ. Trải qua hơn 1000 năm, kinh thành Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay đã chứng kiến biết bao đổi thay bởi các triều đại Phong kiến. Các cuộc chiến tranh cũng đã phá huỷ, chôn vùi nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật, nhưng dấu tích khu Hoàng thành Thăng Long vẫn còn đó. Ở khu trung tâm vẫn hiển hiện bóng dáng của toà thành cổ hình vuông được xây dựng từ thời Nhà Nguyễn vào năm 1835. Các tên gọi cổng thành xưa vẫn được dùng đặt tên cho các con phốxung quanh thành cổ như: cửa Bắc, cửa Nam, cửa Đông...Dẫu không còn những cung điện, song vẫn còn đó một số công trình di tích dọc theo trục trung tâm của khu Hoàng thành cũ như: Cửa Đoan Môn, Điện Kính Thiên, Hậu Lâu. Tại di tích Điện Kinh Thiên ở trung tâm Hoàng thành vẫn còn đôi rồng đá nguyên khối có từ thời Nhà Lê (thế kỷ 15). Cổng thành cửa Bắc cùng những đoạn tường thành Hà Nội còn khá nguyên vẹn. Một công trình di tích nổi bật là cột cờ Hà Nội xây dạng hình tháp, cao hơn 33 mét vẫn vững chãi theo thời gian.  

  Hoàng Thành Thăng Long - di sản văn hoá thế giới - ảnh 1

Năm 2010, đúng dịp Hà Nội kỷ niệm Đại Lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, các nhà khoa học đã phát hiện thêm dưới lòng đất nhiều công trình kiến trúc, di tích, di vật khảo cổ vô cùng quý giá về Hoàng thành Thăng Long. Đây là những bằng chứng khoa học khẳng định nơi đây liên tục là trung tâm kinh đô của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam. Giáo sư sử học Lê Văn Lan, cho biết: “ Các di tích  phát hiện như một cuốn sách được mở ra, có lớp lang, trật tự. Dưới 4 mét là tầng văn hoá khảo cổ của thành Đại La, thời kỳ tiền Thăng Long. Ở độ sâu 3 mét là tầng văn hoá thời Lý  thế kỷ 11-12, còn lên đến 2 mét là lớp văn hoá thời Trần( thế kỷ 13). Những di tích  được phát lộ tại khu vực Hoàn thành Thăng Long vào đúng dip kỷ niệm 1000 năm Thăng Long như thể cho ta một cuốn sách trong lòng đất, vô giá, có lớp lang đầy đủ,  đủ nhận diện nơi này là chốn kinh đô, trung tâm đất nước suốt cả nghìn năm lịch sử ”   

Cùng với những di tích kiến trúc độc đáo, hàng chục ngàn hiện vật tiêu biểu cho các tầng văn hoá các thời kỳ được phát hiện đã phần nào tái hiện lại quá trình lịch sử trải dài từ thế kỷ VII đến thế kỷ IX, xuyên suốt các triều đại: Lý, Trần, Mạc, Lê và Nguyễn. Khu vực trung tâm Hoàn Thành hiện có một số công trình kiến trúc thời Pháp thuộc và công trình Nhà D67 với các di tích hầm ngầm, phòng họp dưới lòng đất. Nhà D67 chính là Tổng hành dinh, nơi Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam và Quân Uỷ Trung ương đã đưa ra những quyết định lịch sử thực hiện thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Những công trình này cho thấy, tất cả các cơ quan quyền lực cao nhất qua nhiều thời kỳ lịch sử đều chọn nơi đây làm trung tâm chính trị, trung tâm quyền lực của đất nước. Giá trị nổi bật nhất của khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội chính là "bộ lịch sử sống" chảy suốt theo cả chiều dài lịch sử hơn 10 thế kỷ của Thăng Long- Hà Nội, kể từ thành Đại La thời tiền Thăng Long đến thời đại ngày nay. Giáo sư sử học Phan Huy Lê cho biết:  “ Hiện nay tất cả các cơ quan lãnh đạo cao nhất của Việt nam vẫn quy tục ở nơi này. Tôi rất mừng là khu di tích này tuy quy mô không lớn và về kiến trúc cũng không bề thế lắm, nhưng chứa đựng trong đó những giá trị tượng trưng của lịch sử văn hoá Việt Nam và cũng phản ánh trong đó cả giá trị toàn cầu được Việt Nam tiếp thu để tạo thành nền tảng tư tưởng, từ đó đưa ra các chủ trương chính sách  trong công cuộc xây dựng và phát triển Việt Nam” 

  Hoàng Thành Thăng Long - di sản văn hoá thế giới - ảnh 2

Ngày 1 tháng 8 năm 2010, khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long của Việt Nam được Ủy ban di sản thế giới của Liên Hợp Quốc( UNESCO) công nhận là di sản văn hóa thế giới dựa trên 3 tiêu chí nổi bật: là minh chứng đặc sắc về quá trình giao lưu văn hóa lâu dài, là nơi tiếp nhận nhiều ảnh hưởng văn hóa từ bên ngoài, nhiều học thuyết, tư tưởng có giá trị toàn cầu của văn minh nhân loại để tạo dựng nên những nét độc đáo, sáng tạo của một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của quốc gia, là minh chứng về truyền thống văn hóa lâu đời của người Việt ở vùng châu thổ sông Hồng qua các thời kỳ lịch sử, có mối quan hệ giao lưu với khu vực và thế giới. /.

Tin liên quan

Phản hồi

Thảo

Mình muốn biết và phân tích các đặc trưng về kiến trúc văn hóa nghệ thuật về Hoàng Thành Thăng... Xem thêm

Các tin/bài khác