Cao lầu và khúc biến tấu điệu nghệ qua bàn tay của các “nghệ sĩ” quốc tế tài ba

(VOV5) - 10 đầu bếp quốc tế đang làm việc tại Việt Nam đã cùng biến tấu món cao lầu theo hương vị đặc trưng của nước mình. 

Cao lầu là một món ăn đặc trưng của người Hội An, Quảng Nam. Để đem món cao lầu vượt ra khỏi lãnh thổ Việt Nam và vươn ra thế giới, vừa qua, UBND thành phố Hội An phối hợp với Công ty tổ chức sự kiện ẩm thực tổ chức Liên hoan ẩm thực quốc tế Hội An lần thứ 3 với chủ đề “Thách thức cao lầu”. 10 đầu bếp quốc tế đang làm việc tại các nhà hàng, khu nghỉ dưỡng của Việt Nam tham gia đua tài chế biến món cao lầu theo cách của riêng mình.

Cao lầu và khúc biến tấu điệu nghệ qua bàn tay của các “nghệ sĩ” quốc tế tài ba - ảnh 1 Bát cao lầu mang phong cách Pháp. (Ảnh: Lan Anh/VOV5)

 

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Cao lầu Hội An thu hút thực khách bởi phương pháp chế biến độc đáo và hương vị riêng. Nguyên liệu để làm nên bát cao lầu đậm đà là sợi mì vàng, dai, dẻo, hòa quyện với tôm, thịt xá xíu, các loại rau sống, bánh tráng ăn kèm cùng với một chút nước sốt.

Với mục đích đưa ẩm thực thế giới đến Việt Nam và mang ẩm thực Việt Nam ra thế giới, UBND thành phố Hội An chọn món cao lầu, món ăn riêng có ở đô thị cổ Hội An để trở thành chủ đề chính trong bữa tiệc Liên hoan ẩm thực quốc tế Hội An lần thứ 3 tổ chức vào tháng 6 vừa qua.

Cao lầu và khúc biến tấu điệu nghệ qua bàn tay của các “nghệ sĩ” quốc tế tài ba - ảnh 2 Cao lầu được kết hợp đa phong cách. (Ảnh: Lan Anh/VOV5)

Diễn ra bên bờ sông Hoài, 10 đầu bếp quốc tế đang làm việc tại Việt Nam đã cùng biến tấu món cao lầu theo hương vị đặc trưng của nước mình. Đầu bếp người Mỹ Peter Cuong Pranklin đã sử dụng mỳ cao lầu đen, màu đen được làm từ mực của con mực, kết hợp với hến và sốt cà chua tạo nên món cao lầu Mỹ. Cao lầu Italy do đầu bếp Andrea Chetta chế biến là sự kết hợp giữa mỳ Ý, thịt xông khói và salad Âu. Đầu bếp Andrea Chetta chia sẻ: “Điểm khác biệt lớn nhất giữa sợi cao lầu của Việt Nam và mỳ Ý của Ý là ở hương vị bột gạo trộn với nước kết hợp với vị hun khói hòa quyện trong từng sợi mỳ dai vàng thơm ngon. Chỉ khi nếm thử cao lầu, bạn mới có được cảm giác có vị “xông khói” rất lạ miệng. Trong khi đó, với mỳ Ý, chúng tôi chỉ sử dụng nguyên liệu chính là trứng trộn với bột, đem đến hương vị nhẹ nhàng hơn trong từng sợi mỳ”.

Cao lầu và khúc biến tấu điệu nghệ qua bàn tay của các “nghệ sĩ” quốc tế tài ba - ảnh 3Đầu bếp người Hàn Quốc đang chế biến món cao lầu mang hương vị Việt - Hàn. (Ảnh: Lan Anh/VOV5)

Cao lầu Bulgogi Hàn Quốc do đầu bếp Steven Simyong trổ tài là sự kết hợp thịt bò với kim chi. Đầu bếp người Australia Matthew Donnellan thì chọn thịt xíu, tôm, tép dòn để chế biến món cao lầu. Đầu bếp người Nhật Miyayawa Genta đã biến tấu món cao lầu với nguyên liệu mỳ Udon của Nhật: “Về cơ bản, tôi sử dụng mì ramen (mì sợi kiểu Nhật Bản) thay thế cho sợi cao lầu. Nước dùng của món cao lầu được làm từ thịt lợn nên tôi đã sử dụng thịt lợn quay và nước sốt thịt. Cũng bởi vì tôi là người Nhật Bản nên ngoài một số nguyên liệu thông thường, tôi còn nêm thêm vị ớt cay và sake mirrin (một loại rượu nấu ăn Nhật Bản), xá xíu và một số loại rau khác như cà chua, sa lát, hành lá. Đây thực sự là một trải nghiệm rất thú vị vì đây là lần đầu tiên tôi tự chế ra món “Cao lầu” phiên bản Nhật. Tôi nghĩ tôi vẫn có thể tiếp tục phát triển món ăn này, đặc biệt nếu mọi người cho tôi thêm một cơ hội, tôi hoàn toàn tự tin và sẵn sàng làm tốt hơn thế”.

Đầu bếp César Combe, chủ nhà hàng món Pháp Chez César ở Hội An, tham gia chương trình, cho biết anh đã đem một chút hương vị châu Âu vào bát cao lầu Hội An: “Tôi đã hòa trộn nét văn hóa Việt Nam (phong cách Hội An) với màu sắc văn hóa ẩm thực Ý.  Một chút hương vị thịt bò pha với rượu vang cùng với cà rốt. Tôi đã sử dụng khoai tây chiên, khoai lang cùng với thịt. Tôi đã thành công trong việc tạo ra khoai tây chiên mang hương vị bánh mì. Thêm vào đó, hương vị húng quế kèm với tỏi đã đem đến một bước “đột phá” cho phong vị cúa món ăn này. Tôi muốn rằng, lúc nào món ăn của tôi cũng đều phải “giòn tan” trong miệng”.

Cao lầu và khúc biến tấu điệu nghệ qua bàn tay của các “nghệ sĩ” quốc tế tài ba - ảnh 4 Công đoạn thái sợi cao lầu cũng đòi hỏi sự khéo léo và chuẩn xác. (Ảnh: Lan Anh/VOV5)

Trong Liên hoan ẩm thực quốc tế Hội An lần thứ 3, bên cạnh việc biến tấu món cao lầu theo hương vị của từng quốc gia, 10 đầu bếp của các nước Pháp, Italy, Mỹ, Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan,… đã cùng chế biến chung nồi cao lầu kỷ lục nặng hơn 100 kg. Sau đó, món cao lầu này được chia thành nhiều bát nhỏ để phục vụ cho người dân và du khách.

Cao lầu và khúc biến tấu điệu nghệ qua bàn tay của các “nghệ sĩ” quốc tế tài ba - ảnh 5 Du khách nước ngoài thích thú với món cao lầu. (Ảnh: Lan Anh/VOV5)

Với ý tưởng biến hóa cao lầu trở thành một món ăn nhanh, ông David Lacroix, đầu bếp của khách sạn Victoria, Hội An đã giành quán quân trong liên hoan ẩm thực này: “Ban đầu tôi đưa ra ý tưởng thực hiện món ăn này chế biến cùng với gà, có thể mua mang về. Tôi muốn tạo ra một sự đột phá mới lạ, một ý tưởng hoàn toàn độc đáo chứ không chạy theo “lối mòn” hay dập khuôn nhàm chán. Cao lầu có thể kết hợp với khá nhiều món khác nhau. Tôi đã thử kết hợp cao lầu với phô mai và cảm thấy tương đối vừa miệng. Ngoài ra, tôi cũng thử kết hợp cao lầu với thịt xông khói và cá hồi”.

Cao lầu và khúc biến tấu điệu nghệ qua bàn tay của các “nghệ sĩ” quốc tế tài ba - ảnh 6Món “Cao lầu thế kỷ 21” của đầu bếp David Lacroix đã giật giải vô địch trong lễ hội ẩm thực quốc tế Hội An lần thứ 3 năm 2017. (Ảnh: Lan Anh/VOV5)

Món cao lầu của ông David Lacroix trông giống như một chiếc kem ốc quế, bên ngoài được gói bằng lá chuối xanh, bên trong là sợi cao lầu Hội An cùng nước sốt và được cuốn bằng bánh tráng Burrito của Mexico. Điểm đặc biệt của món ăn này là có thể mang đi dễ dàng. Đây cũng là một điểm cộng để món “Cao lầu thế kỷ 21” của đầu bếp David Lacroix giật giải vô địch trong lễ hội ẩm thực Hội An.

Tăng cường quảng bá ẩm thực Hội An đến bạn bè quốc tế cũng như cảm nhận sự sáng tạo của các đầu bếp nước ngoài về món ăn truyền thống cao lầu phố Hội là điều mà ban tổ chức Liên hoan mong muốn nhằm từng bước đưa món ăn Việt lan tỏa ra thế giới đồng thời kết nối các nền văn hóa thông qua nét đẹp của tinh hoa ẩm thực.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác