Ngọt lịm kẹo dừa miền Tây

(VOV5) - Ngày nay, nhiều tỉnh miền Tây lân cận cũng đã học hỏi cách chế biến kẹo dừa như một sản vật giới thiệu đến du khách. 
Ngọt lịm kẹo dừa miền Tây - ảnh 1Kẹo dừa miền Tây 

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Ngọt lịm kẹo dừa miền Tây - ảnh 2 Anh Sang tại cơ sở làm kẹo dừa

Anh Huỳnh Văn Sang tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang thoăn thoắt thực hiện các công đoạn để chế biến kẹo dừa. Anh chia sẻ muốn làm kẹo ngon, chuẩn bị cho khâu nguyên liệu vô cùng quan trọng. Thóc nếp dùng để nấu mạch nha phải là thóc hạt to, chín đều. Để nẩy mầm thóc phải được tưới bằng nước mưa sạch rồi đem nấu lấy mạch nha. Thợ nấu mạch nha phải là thợ lành nghề điêu luyện.

Còn đối với dừa khô, người dân phải lựa trái rám vàng mới vừa hái xuống. Vì trái dừa mới bắt đầu khô này có hương vị đặc trưng, nước cốt có độ ngọt thanh. Về quy trình làm kẹo dừa anh chia sẻ: “Mới đầu mình nạo dừa ra, rồi ép lấy nước cốt. Rồi pha mạch nha, nước cốt dừa và với đường, pha ba cái hỗn hợp. Rồi bỏ lên chảo 45 phút, đặc rồi mới bỏ vô khuôn, nó cứng lại rồi mới cắt”

Ngọt lịm kẹo dừa miền Tây - ảnh 3 Công đoạn đóng gói kẹo dừa

Thoạt nghe qua tưởng chừng như đơn giản, nhưng nhìn rồi mới thấy để làm ra được viên kẹo dừa xinh xắn phải tổn công cỡ nào. Nấu mạch nha rồi mang trộn với nước cốt dừa cho thành một hỗn hợp. Sau đó cho hỗn hợp này vào chảo, lửa phải vừa đủ và khuấy đều tay. Thứ nhất để hỗn hợp hòa quyện vào nhau giúp có được hương vị thơm béo ngọt của nước cốt dừa và mạch nha, thứ hai để tránh bị “sên”. Đây là hiện tượng kẹo bị cứng khi không được khuấy đều. Ngày nay, với tiến bộ của khoa học kỹ thuật, máy móc góp sức khá nhiều, giúp làm giảm đi vất vả của người lao động, nhất là ở khâu nấu và khuấy kẹo dừa, sản phẩm sẽ được trộn đều, nhiệt độ chuẩn, chất lượng sẽ cao hơn.

Ngọt lịm kẹo dừa miền Tây - ảnh 4 Máy móc giúp công đoạn khuấy kẹo dừa được dễ dàng hơn

Chị Nguyễn Thu Hồng, một công nhân phụ trách khu vực hòa kẹo dừa cho hay: “Cái này khuấy kẹo cho tới. Lúc hòa xong rồi mình chia ra từng phần, lúc hơi lên mở hơi ra canh gần tới bỏ sầu riêng vô. Mình chụm thì chụm hơi nhưng máy quay là máy điện. Ví dụ ở trên nhiều thì mình làm máy quay chậm lại. Một ngày chắc khuấy như thế này được 20kg hòa”.

Khi đã có được độ dẻo như ý, hỗn hợp được cắt và ép vào khuôn dài để đem đi cắt thành từng viên nhỏ, sau khi được đóng gói bao bì, thì kẹo dừa có thể được bày bán ra thị trường. Ngày nay, không chỉ có kẹo truyền thống, từ những thành phần cốt lõi là dừa và lúa người dân miền Tây còn thêm màu sắc mới cho những viên kẹo bằng hương vị đặc trưng. Anh Sang nói thêm: “Kẹo dừa có tới bảy loại lận: đậu phộng, lá dứa, ca cao, gừng, cà phê, cốm và nguyên chất. Đó, có nhiêu đó thôi”.

Nhưng dù có thêm bao nhiêu hương vị đi nữa, kẹo vẫn đảm bảo hương vị dừa ngọt thơm căn bản. Từ tài khéo léo và lao động chăm chỉ, những người dân miền Tây đã góp phần làm tăng thêm giá trị của nguyên liệu dừa trù phú tại đây. Thứ kẹo dân dã, mộc mạc dường như cũng là một nét đặc sắc trong văn hóa ẩm thực của người Việt. Tuyệt vời làm sao trong những ngày se lạnh này được nhâm nhi tách trà nóng cùng viên kẹo dừa ngọt thơm tan trong miệng.

Ngọt lịm kẹo dừa miền Tây - ảnh 5 Khách đến tham quan tham gia vào công đoạn cắt kẹo dừa

Phản hồi

Các tin/bài khác