55 năm Việt kiều Tân Caledoni – Vanuatu hồi hương

(VOV5) - Đầu năm 1960, nhiều chuyến tàu đã đưa hàng ngàn kiều bào tại Tân Đảo và Tân Thế giới hồi hương. Ngày 27/12 tới đây sẽ diễn ra buổi gặp mặt truyền thống 55 năm Việt kiều Tân Caledoni – Vanuatu hồi hương, tại Hà Nội.


Buổi gặp mặt nhằm ôn lại những kỷ niệm của các chân đăng từng sống tại đây cũng như nêu bật những đóng góp của bà con Việt kiều hồi hương trong 55 năm qua. Trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV5, ông Vũ Đức Khuynh, trưởng ban tổ chức kỷ niệm 55 năm Việt kiều Tân Caledoni – Vanuatu hồi hương thông tin về sự kiện này cũng như những nét khái quát về những việc làm của bà con kiều bào kể từ khi về nước tới nay.

55 năm Việt kiều Tân Caledoni – Vanuatu hồi hương - ảnh 1
Ông Vũ Đức Khuynh



Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:

 


P/v:
Thưa ông, buổi lễ kỷ niệm 55 năm Việt kiều Tân Caledoni – Vanuatu hồi hương hẳn là có rất nhiều ý nghĩa đối với những người Việt đã từng sống ở đây?

Ông Vũ Đức Khuynh: Khi chúng tôi phát động tổ chức 55 năm ngày chuyến tàu đầu tiên về nước, mọi người hưởng ứng rất mạnh. Con số những người về nước từ năm 1960 đến 1963 khá là đông, chính xác là 5.777 người. Cuộc gặp gỡ này có chung những hoài niệm, kỷ niệm. Đối với tôi, đó là một hoạt động quan trọng. Để tổ chức một hoạt động quy mô toàn quốc như thế này khá là khó khăn. Bởi vì, ở các nơi, có nơi tổ chức câu lạc bộ, có nơi tổ chức chi hội, những người có liên lạc với người Việt Nam ở New Caledoni. Nhưng có những nơi bà con không tổ chức chi hội như ở Ninh Bình. Do vậy, để mọi người đều có mối quan tâm với nhau thì phải có hệ thống thông tin rất đầy đủ để mọi người kết nối với nhau.

P/v: Được biết những công việc cho lễ kỷ niệm này đã được ban tổ chức lên kế hoạch chuẩn bị từ lâu? 

Ông Vũ Đức Khuynh: Việc khởi xướng cho lễ kỷ niệm này bắt đầu thực hiện từ giữa năm ngoái. Việc tổ chức năm nay có khác với các năm trước. Tất cả các chi hội trưởng và chủ tịch câu lạc bộ đều là thành viên của ban tổ chức. Việc họp hành đã được diễn ra ít nhất hai lần để thống nhất toàn bộ hoạt động và ngay cả tên của cuộc gặp mặt cũng được thông qua. Việc thành lập các hiệp hội, những người liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài đều trên cơ sở tổ chức tự nguyện cho nên chúng tôi làm như vậy để mọi người cảm thấy gắn bó, gần gũi và họ thấy một phần trách nhiệm của họ trong đó.

P/v: Là một người trở về nước vào đầu những năm 1960, chắc hẳn ông không thể quên được không khí của cuộc trở về khi đó?

Ông Vũ Đức Khuynh: Tuy còn nhỏ, nhưng đấy là thời kỳ khá ấn tượng đối với tôi. Trước năm 1960, bà con Việt kiều ở bên kia có những hoạt động khá sôi nổi trong việc đấu tranh đòi hồi hương. Trong khoảng thời gian từ năm 1960- 1963, bà con đã có những hoạt động như dã ngoại, học bài hát tiếng Việt. Việc hoạt động văn nghệ cực kỳ sôi nổi. Trong chương trình kỷ niệm 55 năm, chúng tôi dự kiến hát lại, múa lại những bài hát từ thời đó. Thí dụ như điệu nhảy chung tôi vẫn thường gọi là Son son mì. Những điệu nhảy như vậy rồi còn có một bài hát mà anh chị em tự sáng tác chờ đón ngày hồi hương. Tháng 9 năm nay, trong đợt sang thăm Calédonie có người vẫn thuộc cả bài hát đó. Điều đó cho thấy, sau 55 năm nhưng ký ức về những ngày đó vẫn không phai mờ trong lòng bà con kiều bào.

Đặc biệt, chuyến cuối cùng là chuyến 11. Chuyến tàu đó có hơn 200 người. Người ta đã tổ chức một buổi lễ rất long trọng để tiễn những người Việt Nam cuối cùng về Việt Nam. Đấy là những hình ảnh tôi nghĩ không ai có thể quên được.

P/v: Những người Việt sau 55 năm kể từ ngày trở lại quê hương, hiện nay, có cuộc sống cũng những đóng góp như thế nào đối với đất nước, thưa ông?

Ông Vũ Đức Khuynh: Vào thời điểm bà con Việt kiều về nước, đất nước ta còn gặp vô vàn khó khăn, thiếu thốn. Trong số những người Việt Nam về nước thời đó, rất nhiều người đem theo những của cải vật chất nhất định, phương tiện lao động sản xuất để đóng góp cho đất nước. Có người có kiến thức thì về làm giáo viên. Có những người được nhà nước tin cậy. Hầu hết nhà nào cũng có con tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ. Có người tham gia Mặt trận tổ quốc. Sự đóng góp là rất lớn.

P/v: Xin cảm ơn ông.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác