Cảng vụ Hàng hải thành phố Hồ Chí Minh thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải

(VOV5) - Cảng vụ Hàng hải thành phố Hồ Chí Minh trực thuộc Cục Hàng hải Việt Nam, là cơ quan thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về hàng hải tại vùng nước cảng biển thành phố Hồ Chí Minh và khu vực quản lý do Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải quyết định. Đây là khu vực vùng nước cảng biển có nhiều phương tiện thủy nội địa hoạt động. Trong năm 2014, Cảng vụ Hàng hải thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện tốt công tác an toàn và thanh tra hàng hải, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế của thành phố nói riêng và của cả nước nói chung. Ông Nguyễn Xuân Sang, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải thành phố Hồ Chí Minh thông tin về những hoạt động này.

Cảng vụ Hàng hải thành phố Hồ Chí Minh thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải - ảnh 1
Ông Nguyễn Xuân Sang, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải thành phố Hồ Chí Minh



Nghe nội dung chi tiết tại đây:


Phóng viên: Thưa ông, vấn đề đảm bảo an toàn an ninh hàng hải gần đây cũng đặt ra cho việc phát triển vận tải biển của Việt Nam. Công tác này được thực hiện như thế nào ở Cảng vụ Hàng hải thành phố Hồ Chí Minh?

Ông Nguyễn Xuân Sang: Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, phòng chống cháy nổ và phòng ngừa ô nhiễm môi trường trong vùng nước cảng biển thành phố Hồ Chí Minh, trong suốt thời gian qua, đặc biệt những năm gần đây, được sự quan tâm của Bộ Giao thông vận tải, của Cục Hàng hải Việt Nam, với sự phối hợp chặt chẽ giữa cảng vụ với các cơ quan quản lý chuyên ngành khác, Cảng vụ Gàng hải thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Trong thời gian vừa qua, chúng tôi đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đáp ứng yêu cầu về đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải, phòng chống cháy nổ và phòng ngừa ô nhiễm môi trường. Ngoài các giải pháp truyền thống là tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật đối với các đối tượng được quản lý nhằm tạo sự hiểu biết của các đối tượng này về các quy định hiện hành có liên quan đặc biệt là các quy định về phòng ngừa va chạm tàu thuyền trên biển được áp dụng trên vùng nước cảng biển và các quy định khác. Công tác kiểm tra giám sát đối với tàu biển, tàu thuyền ra vào đây, đối với các điều kiện về đăng ký, đăng kiểm đảm bảo cho tàu thuyền trước khi rời cảng đủ điều kiện để đi biển. Kiểm tra về bằng cấp thuyền viên, đảm bảo cho thuyền viên có đủ bằng cấp và chứng chỉ theo quy định, đủ về định biên an toàn tối thiểu trên tàu biển cũng như phương tiện thủy nội địa. Đối với các cảng biển luồng lạch, chúng tôi cũng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm định theo quy định hiện hành, đảm bảo cho các cảng này đủ điều kiện tiếp nhận các tàu thuyền ra vào làm hàng an toàn.

Phóng viên: Thưa ông, ở thành phố Hồ Chí Minh thời gian gần đây cũng đã xây dựng được một số cảng mới, ông đánh giá như thế nào về thực trạng các cảng của thành phố Hồ Chí Minh cũng như luồng tuyến ra vào các đầu cảng này để đảm bảo an toàn hàng hải như mong muốn đặt ra?

Ông Nguyễn Xuân Sang: Trong khu vực cảng biển thành phố Hồ Chí Minh thời gian vừa qua, các chủ đầu tư đã xây dựng một số cảng để triển khai việc di dời cảng ra Hiệp Phước. Tôi cho rằng hầu hết các cảng này khi xây dựng mới đều đã được các cơ quan thẩm quyền cấp phép. Tôi cho rằng hầu hết các cảng này đều rất hiện đại, đáp ứng được yêu cầu tiếp nhận được các tàu biển cỡ lớn, tàu container ra vào làm hàng. Về luồng, trước đây, khu vực cảng biển thành phố Hồ Chí Minh chỉ có một luồng là Sài Gòn – Vũng Tàu.

Gần đây, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã đầu tư xây dựng một tuyến luồng mới trên cơ sở cho phép các tàu thuyền có trọng tải đến 5.000 đầy tải và 15.000 giảm tải. Đó là tuyến luồng Soài Rạp. Hiện nay, tuyến luồng này đã được công bố và cho phép các tàu thuyền có trọng tải đến 30.000 đầy tải và 50.000 giảm tải ra vào làm hàng. Tôi cho rằng đây là bước tiến vượt bậc trong việc tạo điều kiện tiếp nhận các tàu biển ra vào khu vực thành phố Hồ Chí Minh để nhận hàng hóa xuất nhập khẩu. Trên cơ sở này, ngay thời gian đầu tiên khi bắt đầu triển khai nạo vét luồng Soài Rạp, chúng tôi đã xây dựng phương án phân luồng để đón đầu khai thác luồng Soài Rạp. Hiện nay, chúng tôi đang triển khai giai đoạn hai để giảm thiểu mật độ giao thông trên tuyến luồng.

Phóng viên: Mặc dù đã có những luồng mới nhưng thành phố Hồ Chí Minh cũng là khu vực có nhiều phương tiện đường thủy lưu thông cùng lưu thông trên tuyến luồng ấy. Cảng vụ Hàng hải thành phố Hồ Chí Minh có những phương thức gì đưa khoa học kỹ thuật như thế nào vào quản lý, giám sát các hoạt động của cảng cũng như các tàu khi ra vào lưu thông trên biển?

Ông Nguyễn Xuân Sang: Từ năm 2006, Cục Hàng hải Việt Nam đã tổ chức triển khai xây dựng hệ thống quản lý hàng hải tàu biển, hệ thống VTS luồng Sài Gòn – Vũng Tàu. Mấy năm gần đây, hệ thống này được đưa vào sử dụng hiệu quả đã được đánh giá rất cao, hỗ trợ tích cực cho các hoa tiêu, cho thuyền trưởng. Ngoài ra, Cảng vụ Hàng hải thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai hai giải pháp nhằm giải quyết bài toàn lưu thông. Thứ nhất là tổ chức phân luồng. Thứ hai, chúng tôi đang triển khai xây dựng, rà soát lại toàn bộ hệ thống phao buộc tàu để làm hàng ở khu vực cảng biển thành phố Hồ Chí Minh để sắp xếp lại hợp lý hơn với hướng đưa các phao ở khu vực trung tâm như khu vực Nhà Bè, khu vực Sông Sài Gòn ra khu vực sông Soài Rạp. Việc này có nhiều tác dụng. Thứ nhất là giảm mật độ lưu thông của các tàu biển và kéo theo nó là các phương tiện thủy nội địa đi ra vào khu vực trung tâm như khu vực sông Nhà Bè, khu vực sông Đồng Nai từ ngã ba Đèn Đỏ đến Cát Lái, khu vực sông Sài Gòn từ ngã ba Đèn Đỏ đến cầu Sài Gòn. Thứ hai, với việc đưa phao buộc tàu ra sông Soài Rạp sẽ tận dụng được kết quả của công trình nạo vét sông Soài Rạp và đảm bảo các phương tiện thủy nội địa khi đi từ miền Tây về sẽ không phải đi sâu vào trong nội thành thành phố Hồ Chí Minh mà chỉ cần dừng ở Soài Rạp để trả hàng và nhận hàng, giảm quãng đường hành trình, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh. Và đặc biệt là giảm mật độ lưu thông ở khu vực trung tâm.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông! 




Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác