Chị Dương Thùy Linh: Tiếng Việt sẽ trở thành một ngôn ngữ được theo học nhiều

(VOV5) - Trong quá trình dạy và học tiếng Việt thực sự tôi thấy rất khó khăn, nhưng điều đó chứng tỏ cho mọi người thấy rằng tiếng Việt cũng là một trong những ngôn ngữ khó học.

Sau 3 năm là giảng viên tiếng Nhật tại trường Đại học quốc tế Nagasaki, chị Dương Thùy Linh vừa tiếp nhận công việc mới – đó là giảng viên bộ môn tiếng Việt và khoa biên phiên dịch Việt – Nhật tại trường Cao đẳng ngoại ngữ Nhật Bản, Tokyo. Trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV5, Thùy Linh chia sẻ về công việc hiện tại của mình là dạy tiếng Việt đồng thời mang những nét đẹp văn hóa Việt Nam tới với bạn bè quốc tế.

Chị Dương Thùy Linh: Tiếng Việt sẽ trở thành một ngôn ngữ được theo học nhiều - ảnh 1

Chị Dương Thùy Linh

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:

PV: Chào Dương Thùy Linh. Hiện tại, chị là giảng viên bộ môn tiếng Việt cho các sinh viên là người Nhật tại trường Cao đẳng ngoại ngữ Nhật Bản Tokyo. Chị có thể chia sẻ đôi nét về công việc này?

Chị Dương Thùy Linh: Việc giảng dạy tại Bộ môn tiếng Việt đóng vai trò quan trọng góp phần thúc đẩy quan hệ Việt – Nhật ở thời điểm hiện tại. Việc mang ngôn ngữ tiếng Việt – tiếng mẹ đẻ của tôi để giảng dạy cho những học sinh cấp 3 tại Nhật là niềm ao ước bấy lâu nay của cá nhân tôi cũng như là mong mỏi của cộng đồng người Việt tại Nhật Bản. Phải nói đây là niềm vui rất lớn khi giúp các bạn học sinh cấp 3 hiểu thêm về tiếng Việt, và sau này sẽ góp phần thúc đẩy mối quan hệ giao lưu cũng như tăng cường cơ hội việc làm của người Nhật tại Việt Nam.

PV: Chị đã bắt đầu công việc này như thế nào, và có gặp khó khăn gì không khi dạy tiếng Việt cho người Nhật?

Chị Dương Thùy Linh: Thực ra tôi mới bắt đầu công việc này từ nửa năm nay sau khi tôi chuyển việc từ Nagasaki lên Tokyo. Khó khăn lớn nhất của tôi trong quá trình giảng dạy tiếng Việt cho các bạn học sinh Nhật Bản là tôi nhận thấy các bạn người Nhật rất khó phát âm một số âm trong tiếng Việt. Đặc biệt, tiếng Việt có 6 thanh điệu, và các bạn học sinh Nhật lại không thể phân biệt được sự khác nhau giữa các thanh điệu đó. Trong quá trình dạy và học tiếng Việt thực sự tôi thấy rất khó khăn, nhưng điều đó chứng tỏ cho mọi người thấy rằng tiếng Việt cũng là một trong những ngôn ngữ khó học.

PV: Với những khó khăn như thế, chị đã tìm ra những phương pháp gì riêng cho mình để việc dạy tiếng Việt đạt được hiệu quả?

Chị Dương Thùy Linh: Tuy tôi mới bắt đầu công việc này được nửa năm, nhưng tôi cảm thấy được là để học sinh người Nhật hiểu được tiếng Việt thì bản thân các bạn phải hiểu được văn hóa của Việt Nam. Vì vậy tôi đã cho các bạn nghe nhiều bài hát thiếu nhi để có thể cảm nhận những âm thanh tiếng Việt. Tôi cũng mua các bộ sách ngày xưa mình đã từng học, những bộ sách giáo khoa để các học sinh đó tập viết, để các bạn ấy được sống trong môi trường học tiếng Việt như những người trẻ ở Việt Nam thời mới bắt đầu đi học. Cách học như vậy, thay vì việc đọc sách giáo khoa bằng tiếng Nhật hàng ngày thì tôi thấy khá hiệu quả và cách phát âm của các bạn Nhật dần dần được cải thiện hơn.

PV: Có nhiều người nói rằng khi tiếng Việt được đến với các bạn bè quốc tế thì khi đó cả nền văn hóa của Việt Nam cũng đến gần hơn…

Chị Dương Thùy Linh: Tôi xin chia sẻ là tại nơi mà tôi làm việc cũng là nơi đầu tiên tổ chức đầu tiên tổ chức cuộc thi năng lực tiếng Việt tại Nhật Bản. Cuộc thi đó đã thu hút gần 400 thí sinh tham gia, bao gồm những người có độ tuổi trung bình từ 30 – 50 tuổi, là những người có mong muốn đầu tư vào Việt Nam. Và tôi tin rằng cơ hội học tiếng Việt như vậy không chỉ dành cho những người Nhật tại Nhật mà sau này còn có thể phát triển hơn tại các nước khác. Và trong thời gian gần nhất, tiếng Việt sẽ trở thành một ngôn ngữ mà người dân tại nhiều quốc gia theo đuổi để học.

PV: Chị có thể cho biết Nhật Bản ủng hộ ra sao đối với việc dạy tiếng Việt tại đây?

Chị Dương Thùy Linh: Trong Đại sứ quán Việt Nam tại Tokyo, Tham tán phụ trách về giáo dục đã đưa ra nhiều phương pháp để thúc đẩy quan hệ giao lưu giữa Việt Nam và Nhật Bản, trong đó việc học tiếng Việt rất được đề cao. Ngoài trường mà tôi đang giảng dạy có bộ môn tiếng Việt, còn nhiều cơ sở khác và cả các trường Đại học cũng có ngành tiếng Việt, và các cuộc thi hùng biện tiếng Việt dành cho người Nhật. Như thế có thể thấy được rằng mối quan tâm của Chính phủ Nhật Bản dành cho tiếng Việt ngày càng được nâng cao.

PV: Cảm ơn chị.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác