Doanh nghiệp cần tham gia vào phát triển khoa học công nghệ

(VOV5)- Nghiên cứu khoa học và ứng dụng vào nền kinh tế phải có cơ chế để đi song hành, hỗ trợ lẫn nhau.

Đó là ý kiến của chị Phan Bích Thiện, Chủ tịch Hội phụ nữ Việt Nam tại Hungary, Chủ tịch Quỹ vì quan hệ Hungary – Việt Nam, thành viên trí thức, doanh nhân tiêu biểu tham gia hội nghị nhân hội nghị lần này.

Doanh nghiệp cần tham gia vào phát triển khoa học công nghệ - ảnh 1
Tiến sĩ Phan Bích Thiện, Chủ tịch Quỹ vì quan hệ Hungary - Việt Nam


Thưa chị Phan Bích Thiện, tham gia rất nhiều hoạt động của kiều bào đóng góp ý kiến cho nhà nước về những vấn đề trong nước, đối với hội nghị lầy này theo chị có những điểm gì nổi bật?

Hội nghị lần này có một hướng đi rất đúng: trong thông báo với kiều bào cần đóng góp ý kiến với những chuyên đề, chuyên sâu, đi vào thực tế, có những hiệu quả nhất định, có ý nghĩa thực tế nhất định. Điều này chứng tỏ nhà nước, mà trong đó đại diện là Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, và thành phố HCM rất quan tâm đến ý kiến, tiềm năng của kiều bào, muốn nghe những tham vấn của kiều bào. Đối với kiều bào, chúng tôi thấy vui vì mình có thể đóng góp được một điều gì đó trong việc phát triển, xây dựng cho thành phố HCM nói riêng và đất nước nói chung.

Được biết là chị cũng trong số các đại biểu lần này sẽ có cuộc gặp với Thủ tướng chính phủ. Ý kiến chị muốn bày tỏ tại cuộc gặp này?

Cũng đã có những cuộc Thủ tướng gặp gỡ các kiều bào, nhưng có lẽ đây là lần đầu mà tại một hội nghị trực tiếp thủ tướng muốn tham vấn với các đại biểu trí thức, doanh nhân kiều bào tiêu biểu về các vấn đề mà đất nước cần. Điều đó chứng tỏ thủ tướng rất sâu sát đi sâu vào những vấn đề cụ thể, quan tâm đến những ý kiến đóng góp của kiều bào.

Như tôi đã nói các chuyên đề tại Hội nghị rất cụ thể. Có một chuyên đề về việc ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển kinh tế. Đây là một trong những chìa khóa để làm sao có thể thúc đẩy nền kinh tế phát triển, vì thời đại hiện nay nền kinh tế không thể nào có những bước đột phát nếu chúng ta không ứng dụng được khoa học công nghệ. Ở Việt Nam có rất nhiều các giải cho toán, lý hóa… rồi các đề tài nghiên cứu khoa học, nhưng đa số chỉ dừng lại ở việc làm khoa học. Còn những kết quả nghiên cứu đó làm sao ứng dụng vào các ngành công nghiệp, các ngành kinh tế cho phù hợp để mang lại thành phẩm, hiệu suất, lợi nhuận thực tế thì chưa nhiều. Chính vì thế nên nhiều khi các nhà khoa học kêu không có kinh phí, không có tiền để nghiên cứu khoa học; nhưng các nhà doanh nghiệp thì lại không cập nhật được các kết quả nghiên cứu khoa học trong nước. Làm sao để hai vấn đề này phát triển song song nhưng phải hỗ trợ nhau. Như ngành nông nghiệp ở Hungary chẳng hạn. Những kết quả nghiên cứu về khí tượng thủy văn, về môi trường, về đất, về nước… được ứng dụng trực tiếp cho những người làm việc trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi… Dựa trên những nghiên cứu khoa học, họ xác định được mùa nào trồng gì nuôi gì như thế nào thì sẽ cho hiệu quả cao nhất. Hiệu quả cao tất nhiên là lợi nhuận cũng cao hơn. Và họ trích một phần lợi nhuận đó để đầu tư lại cho những nhà nghiên cứu trong lĩnh vực đó. Làm sao để kết quả nghiên cứu càng tốt hơn, càng nâng cao hơn thì việc sản xuất nông nghiệp cũng ngày càng tốt hơn. Nghĩa là hai bên song song hỗ trợ lẫn nhau.

Để những mong muốn đó thành hiện thực, theo chị những bước đi cần thiết hiện nay là gì?

Theo tôi nhà nước cần có một chủ trương về một loại Quỹ để đầu tư cho việc nghiên cứu khoa học công nghệ. Quỹ này có nhiều dạng, có thể làm ở cấp độ nhà nước, nhưng bởi vì chúng ta rất cần việc xã hội hóa thì chúng ta cũng nên làm theo cách cả doanh nghiệp cùng làm. Ví dụ các doanh nghiệp đều phải trích một phần vào Quỹ đầu tư cho khoa học công nghệ dó. Nhưng làm sao để doanh nghiệp không cảm thấy cách đó là phải đóng thêm một phần thuế nữa, thì họ có trách nhiệm đóng vào quỹ đó, nhưng họ lại được chọn phần họ đóng góp đó sẽ được đầu tư cho cơ sở nghiên cứu nào, việc nghiên cứu nào, trường đại học nào… Bởi vì điều đó liên quan trực tiếp, sát sườn đến công việc của họ. Như vậy là cả hai bên đều sẵn sàng. Các nhà khoa học, các cơ sở nghiên cứu có thêm nguồn kinh phí để phát triển, mà không phải chỉ chờ mỗi kinh phí từ nhà nước rót xuống. Còn các doanh nghiệp trực tiếp tiếp nhận được những nghiên cứu cần thiết trong lĩnh vực của họ. Tôi nghĩ nhà nước cần đưa một chủ trương để làm sao khoa học công nghệ và kinh tế hỗ trợ lẫn nhau để cùng phát triển chứ không phải phát triển rời rạc như bây giờ.

Xin cảm ơn chị.

 

Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới 2016 với chủ đề “Kiều bào chung sức xây dựng thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế” diễn ra từ 11-14/11/2016. Trong thời gian diễn ra Hội nghị, các đại biểu tham gia thảo luận theo 4 chuyên đề: Kiều bào với các vấn đề phát triển bền vững của Thành phố Hồ Chí Minh, Kiều bào với phát triển nguồn nhân lực Thành phố Hồ Chí Minh, Kiều bào với phát triển khoa học – công nghệ, kinh tế tri thức của Thành phố Hồ Chí Minh, và Kiều bào tham gia đầu tư phát triển thương mại dịch vụ của Thành phố Hồ Chí Minh. Trong ngày 12/11 có chương trình “Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ chuyên gia, trí thức và doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài tiêu biểu”.


Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác