Gắn kết kiều bào với biển đảo quê hương

(VOV5) - Ông Lương Thanh Nghị hy vọng rằng qua những chuyến đi này, kiều bào sẽ có nhiều hoạt động thiết thực để chung tay góp sức cùng đồng bào, chiến sĩ cả nước góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Từ năm 2012, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân tổ chức đưa kiều bào ra thăm, động viên quân, dân trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Qua các chuyến đi, bà con kiều bào đã tích cực thông tin, tuyên truyền cho cộng đồng kiều bào và người dân nước sở tại về chủ quyền biển đảo của Việt Nam đồng thời có những đóng góp tích cực cho cuộc sống sinh hoạt của quân và dân trên các đảo. Phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam phỏng vấn ông Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, Trưởng đoàn công tác số 10 năm 2018 thăm quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1, về kết quả của những chuyến đi này.

Gắn kết kiều bào với biển đảo quê hương - ảnh 1 Trưởng đoàn công tác số 10 năm 2018 và kiều bào chụp ảnh trên con tàu KN 491 trong chuyến đi thăm động viên quân dân trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1.

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:

PV: Thưa ông, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã 7 lần tổ chức cho kiều bào thăm quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Ông nhìn nhận về sức ảnh hưởng của chương trình từ trước cho đến nay như thế nào đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài?

Sau 7 năm tổ chức cho người Việt Nam sinh sống, định cư, học tập và làm việc ở nước ngoài đi thăm quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1, có thể thấy có sự thay đổi nhanh chóng trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Trước hết, đó là tình yêu biển đảo lan tỏa rộng rãi hơn, mạnh mẽ hơn. Thứ hai đó là số lượng kiều bào ta đăng ký ra thăm Trường Sa tăng dần đều. Điều này cũng là một sức ép đối với chúng tôi trong việc lựa chọn những kiều bào tiêu biểu ở các địa bàn khác nhau ra thăm huyện đảo Trường Sa. Điều thứ ba là sau nhiều chuyến đi, bà con kiều bào ở nhiều nước đã thành lập các câu lạc bộ Trường Sa. Các câu lạc bộ đó hoạt động rất tích cực. Những người đã từng đi Trường Sa đã trở thành sứ giả tuyên truyền về chủ quyền biển đảo của Việt Nam cho cộng đồng người Việt Nam ta ở nước ngoài và bạn bè thế giới. Xuất phát từ các câu lạc bộ đó, các thành viên kêu gọi mọi người cùng chung tay góp sức để tiếp sức cho các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Trường Sa cùng quyết tâm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Qua các đoàn công tác như vậy, chúng tôi thấy đã hình thành nên nhiều Quỹ như Quỹ Vì chủ quyền biển đảo của Tổ quốc của kiều bào Hàn Quốc. Họ đã có nhiều dự án để giúp đỡ Trường Sa ví dụ như xây dựng hệ thống pin năng lượng mặt trời, cung cấp các máy lọc nước biển thành nước ngọt, cung cấp những vật dụng cần thiết cho người lính đảo và người dân trên đảo. Cộng đồng người Việt ở Singapore cho đến nay cũng đã cung cấp được khoảng 10 bộ dụng cụ đa năng nhằm nâng cao thể lực và sức chiến đấu cho quân và dân huyện đảo Trường Sa. Chúng tôi cho rằng tất cả những việc đó có sức lan tỏa rất lớn. Hiện nay, chúng tôi đang phát động kiều bào quyên góp để ủng hộ cho cán bộ, nhân dân huyện đảo Trường Sa.

Gắn kết kiều bào với biển đảo quê hương - ảnh 2 Ông Lương Thanh Nghị (bìa trái) tặng quà cho các cán bộ, chiến sỹ đảo Phan Vinh A.

PV: Qua những chuyến thăm quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 của kiều bào, theo ông, kết quả đạt được của các chuyến đi là gì?

Việc tổ chức cho kiều bào đi thăm Trường Sa và nhà giàn DK1 đáp ứng được tình cảm và nguyện vọng của kiều bào được đến thăm tuyến đầu của Tổ quốc. Điều này khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta trong việc thông tin về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè thế giới. Bản thân chuyến đi của kiều bào và của các đoàn công tác hàng năm ra thăm Trường Sa cũng góp phần một lần nữa chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa. Một điều quan trọng nữa trong bối cảnh hiện nay có sự nhiễu loạn thông tin thậm chí xuyên tạc, bóp méo sự thật. Đây là cơ hội tốt cho kiều bào tận mắt chứng kiến sự đổi thay cuộc sống của người dân, của cán bộ, chiến sĩ trên quần đảo cũng như cảm nhận được những khó khăn vất vả và cũng cảm nhận được ý chí quyết tâm của các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Nhưng có một điểm rất quan trọng là sau mỗi chuyến đi, các thành viên trên mỗi con tàu đã trở thành một gia đình rất đặc biệt. Gia đình đó gồm những người trong nước và những người Việt Nam ở nước ngoài. Từ chuyến đi thăm Trường Sa và nhà giàn DK1 đã hình thành nên nhiều nhóm giao lưu, kết nối với nhau. Điều này rất quan trọng. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay chúng ta đang thúc đẩy mạnh mẽ công tác đại đoàn kết dân tộc.

PV: Mỗi chương trình đưa kiều bào ra thăm quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 đều với mong muốn để kiều bào có cái nhìn thực tế về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Chuyến đi năm nay có sự khác biệt và có điểm gì mới, đáng chú ý so với những năm trước đây, thưa ông?

Qua các chuyến đi thăm quần đảo Trường Sa, nhận thức của kiều bào đối với công cuộc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam thay đổi rõ rệt. Ngoài câu lạc bộ Trường Sa, Quỹ Vì chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, các phong trào tìm hiểu về Trường Sa lan tỏa trong cộng đồng người Việt. Những người đã đi Trường Sa về đã trở thành sứ giả để thông tin tuyên tuyền cho bà con kiều bào. Nhiều kiều bào đã đi sưu tầm bản đồ cổ để chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Lần này, chúng tôi phối hợp chặt chẽ với Quân chủng Hải quân để tổ chức một chuyến đi ý nghĩa cho bà con. Điểm khác biệt trước hết đó là trước đây, đoàn kiều bào đi Trường Sa đều xuất phát từ cảng Cát Lái, thành phố Hồ Chí Minh, còn lần này xuất phát từ cảng quốc tế Cam Ranh. Bà con kiều bào đã chứng kiến được sự đổi thay của cảng quốc tế Cam Ranh. Trong hải trình, điểm đầu tiên đoàn đến là đảo Song Tử Tây. Tại đây đã diễn ra lễ chào cờ vô cùng trang nghiêm, khơi dậy niềm tự hào của con dân đất Việt. Điểm đặc biệt nữa là trong hành trình 10 ngày trên biển là chúng tôi đã tổ chức Lễ Giỗ tổ Hùng Vương ngay trên tàu giữa biển khơi. Đây là lần đầu tiên sự kiện này được tổ chức, để tưởng nhớ, tri ân công lao của các Vua Hùng trong chuyến đi thăm Trường Sa của đoàn kiều bào. Điều đó giúp kết nối giữa kiều bào và người dân trong nước. Sau mỗi chuyến đi, nguyện vọng của các kiều bào, kể cả những người đã đi hai đến ba lần, vẫn mong muốn được đi Trường Sa.Tôi hy vọng rằng, qua những chuyến đi này, kiều bào sẽ có nhiều hoạt động thiết thực để chung tay góp sức cùng đồng bào, chiến sĩ cả nước góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.

PV: Thưa ông, ông có thể chia sẻ cảm xúc của mình khi tham gia hành trình lần này?

Đối với bản thân tôi, đây là một vinh dự và niềm tự hào khi được đi ra thăm quần đảo Trường Sa. Tôi rất xúc động khi đặt chân lên những hòn đảo với những cái tên rất thân quen như Song Tử Tây, Sơn Ca, Phan Vinh, Sinh Tồn, Trường Sa và những đảo khác. Cảm xúc đan xen với nhiều cung bậc khác nhau. Tôi nhận thấy ý chí quyết tâm của mỗi cán bộ, chiến sĩ trên đảo, trên nhà giàn DK1 trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tôi đồng cảm và chia sẻ với những khó khăn vất vả của các chiến sĩ nơi đây, nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác