Hợp tác APEC với xu hướng liên kết và hội nhập sẽ ngày càng sâu rộng và chặt chẽ hơn

(VOV5) - Trong vai trò chủ nhà, Việt Nam đang nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thành công của Tuần lễ cấp cao. 

Chỉ còn vài ngày nữa, Tuần lễ cấp cao APEC, hoạt động cuối cùng và quan trọng nhất trong Năm APEC Việt Nam 2017, sẽ diễn ra tại thành phố Đà Nẵng. Trước thềm sự kiện quan trọng này, phóng viên VOV phỏng vấn Tiến sĩ Trần Việt Thái, Viện phó Viện chiến lược Ngoại giao, Học viện Ngoại giao, Chủ tịch Mạng lưới các Trung tâm nghiên cứu APEC Việt Nam, về triển vọng phát triển của APEC sau năm 2020, những mục tiêu mới mà APEC đang hướng tới và những đóng góp của Việt Nam cho Diễn đàn này.

Hợp tác APEC với xu hướng liên kết và hội nhập sẽ ngày càng sâu rộng và chặt chẽ hơn - ảnh 1Tiến sĩ Trần Việt Thái 

Phóng viên: Thưa ông, trong 28 năm kể từ khi thành lập, APEC đã đạt được những thành tựu đáng kể trong nhiều lĩnh vực. Vậy ông dự báo như thế nào về triển vọng của APEC sau năm 2020?

Tiến sĩ Trần Việt Thái: Trong 28 năm qua, APEC phát triển từ một diễn đàn lỏng lẻo với rất ít cơ chế hợp tác sang một diễn đàn mà được tổ chức ngày càng chặt chẽ và hiệu quả hơn. Trong 28 năm qua, APEC đã hoàn thành được hầu hết các mục tiêu mà APEC hướng tới là tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại, thúc đẩy thương mại tự do toàn khu vực. Nhiều rào cản về thuế quan, hành chính được dỡ bỏ, nhiều tiêu chuẩn được hợp nhất và nâng cao. Nhiều chương trình hợp tác kỹ thuật được định hình đã giúp cho các nền kinh tế hội nhập và liên kết ngày càng tốt hơn, hình thành các chuỗi cung ứng, các chuỗi sản xuất, góp phần đưa các doanh nghiệp xích lại gần nhau. Bên cạnh đó, APEC cũng không ngừng mở rộng sang các lĩnh vực hợp tác bên ngoài các lĩnh vực chủ chốt, như chống khủng bố, chống biến đổi khí hậu và các vấn đề mới đặc biệt là các thách thức an ninh phi truyền thống thời gian gần đây.

Hiện nay, APEC đang hướng tới mục tiêu 2020, sau khi mục tiêu Bogor kết thúc thì các nền kinh tế thành viên đang hợp tác để định hình, xây dựng nên 1 tầm nhìn cho sự phát triển của APEC sau 2020. Trên cơ sở đó, APEC vẫn tiếp tục thúc đẩy hợp tác, liên kết sâu rộng hơn nữa để thúc đẩy tự do hóa thương mại, đầu tư, dỡ bỏ các rào cản, đặc biệt thời gian qua các rào cản phi thuế quan tăng rất mạnh, đặc biệt là những vấn đề phía sau đường biên giới như lao động việc làm trong kỷ nguyên mới, vấn đề nông nghiệp trong ứng phó với biến đổi khí hậu…và các thách thức an ninh phi truyền thống. Đây sẽ là các trọng tâm của APEC trong những năm tiếp theo

Phóng viên: Trong giai đoạn mới của thế kỷ 21, các mối quan tâm chủ chốt mà APEC hướng tới sẽ thay đổi theo hướng nào và Việt Nam sẽ phải làm gì để thích ứng với những thay đổi đó, thưa ông?

Tiến sĩ Trần Việt Thái: Trong thế kỷ 21, xu hướng liên kết và hội nhập sẽ ngày càng sâu rộng và chặt chẽ hơn. Trên thế giới ngày nay không thể tách rời khỏi liên kết và hội nhập này. Từ vấn đề công nghệ thông tin cho đến chuỗi cung ứng không thể tách rời, doanh nghiệp không thể làm ăn đơn giản nhỏ lẻ như trước đây được. Hiện nay, xu hướng ứng dụng công nghệ dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 ngày càng sâu sắc. Từ đó nó đặt ra những vấn đề rất mới như việc làm, lao động ra sao, an sinh thế nào, vấn đề dịch chuyển lao động sẽ như thế nào. Đây là những câu chuyện hoàn toàn mới, thế giới hội nhập hiện tại khác hẳn thế giới trước đây.

Để thích ứng với tất cả điều này thì Việt Nam, sau hơn 30 năm mở cửa và hội nhập, chúng ta đã nhận thức được rất nhiều vấn đề, nhưng năng lực nội tại, năng lực của đoanh nghiệp, của đội ngũ cán bộ đặc biệt là đội ngũ chuyên gia còn rất mỏng. Doanh nghiệp của Việt Nam đa phần là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tôi cho rằng Việt Nam cần phải chuẩn bị kỹ hơn trên tất cả các khía cạnh từ phía chính phủ, doanh nghiệp, người đân, xã hội, các địa phương để sao cho chúng ta tận dụng được tốt nhất các cơ hội.

Phóng viên: Công tác nghiên cứu trong APEC đóng vai trò quan trọng trong việc hoạch định chính sách, đường hướng phát triển của APEC. Xin ông cho biết mục tiêu của Trung tâm nghiên cứu APEC Việt Nam trong thời gian tới? 

Tiến sĩ Trần Việt Thái: Đúng là không có nghiên cứu thì không có ý tưởng. Không có nghiên cứu thì không có khoa học và không có nghiên cứu, không có khoa học thì không có phát triển. Đấy là một thực tế. Trong khuôn khổ APEC, ngay từ năm 90 thì các nhà lãnh đạo APEC đã nghĩ đến chuyện này do vậy trong APEC đã tính đến chuyện thúc đẩy, giao lưu giữa các trung tâm nghiên cứu, giữa các trường đại học. Chính vì vậy nó hình thành nên các trung tâm APEC, chủ yếu hình thành ở các nước lớn, trong đó những nước như Mỹ, Úc, Canada có các trung tâm được đào tạo bài bản, có các nguồn lực về tài chính, về con người, đội ngũ giáo sư giảng dạy tốt…

Riêng đối với Việt Nam, ngay khi chúng ta tổ chức đăng cai APEC lần thứ nhất năm 2006 công tác nghiên cứu đã được chú trọng. Trung tâm nghiên cứu APEC của Việt Nam hiện nay là một trung tâm nghiên cứu có tính hàn lâm. Một mặt trung tâm APEC giúp phổ biến, quảng bá về APEC trong giới học sinh, sinh viên, tham gia giảng dạy trong giới trẻ. Thứ hai là chúng ta tham gia vào giao lưu, trao đổi học thuật. Cái này rất quan trọng, không có giao lưu trao đổi thì không thể thúc đẩy hiểu biết, nhận thức mới. Hai chức năng này vừa qua chúng ta làm rất tốt, đặc biệt là khâu giảng dạy, quảng bá và truyền thông, giao lưu học thuật, mặc dù là chúng ta cũng nhiều khó khăn về tài chính, nguồn lực, con người.

Phóng viên: Tuần lễ cấp cao APEC sắp diễn ra, đến thời điểm này, ông đánh giá như thế nào về kết quả của các cuộc họp SOM, đặc biệt là việc đưa những sáng kiến của Việt Nam vào APEC?

Tiến sĩ Trần Việt Thái: Cá nhân tôi đánh giá rất cao vai trò của Việt Nam, rất chủ động từ ban đầu, tham vấn kể cả tham  vấn nước ngoài. Các ý tưởng của Việt Nam đưa ra cho đến nay sau nhiều vòng tham vấn, nhiều trao đổi nội bộ cũng như các quyết sách của lãnh đạo cấp cao thì chúng ta đã đưa ra được nhiều ý tưởng được các nước khu vực và Diễn đàn chấp nhận, đơn cử như Tầm nhìn APEC 2020 hay sáng kiến hỗ trợ đoanh nghiệp vừa và nhỏ, sáng kiến thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu, đối thoại cấp cao về phụ nữ và việc làm, tuần lễ du lịch. Tóm lại là rất nhiều ý tưởng đã được đưa ra và cho đến giờ phút này thì có thể nói khâu chuẩn bị cho trước Tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng tới đây về mặt ý tưởng là đã sẵn sàng. Tổ văn kiện cũng có dự thảo qua nhiều vòng họp cũng đã nắm được quan điểm, lập trường của các bên. Chúng ta đã sẵn sàng cho Tuần lễ cấp cao quan trọng nhất của cả năm APEC và chúng tôi tin rằng sẽ thành công.

Phóng viên: Xin cảm ơn Tiến sĩ Trần Việt Thái.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác