Hy vọng những vấn đề ở nghị trường sẽ được triển khai quyết liệt trên thực tế

(VOV5) - Đây là lần đầu tiên trong kỳ họp Quốc hội giữa năm, cả Thủ tướng và Phó thủ tướng thường trực cùng 4 vị trưởng ngành tham gia trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Từ ngày 13 – 15/6, kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV bắt đầu các phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ. Khác với các kỳ trước, lần này phần chất vấn sẽ kéo dài 3 ngày và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng sẽ đăng đàn nếu có chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Đây là lần đầu tiên trong kỳ họp Quốc hội giữa năm, cả Thủ tướng và Phó thủ tướng thường trực cùng 4 vị trưởng ngành tham gia trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Ông Nguyễn Văn Hiển, đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, Ủy viên ủy ban pháp luật của Quốc hội trả lời phỏng vấn về vấn đề này.

Hy vọng những vấn đề ở nghị trường sẽ được triển khai quyết liệt trên thực tế - ảnh 1 Ông  Nguyễn Văn Hiển - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (bên phải) trong một buổi tiếp xúc cử tri tỉnh Lâm Đồng - Ảnh: Báo Lâm Đồng

PV: Thưa ông Nguyễn Văn Hiển, ông đánh giá như thế nào về việc tại kỳ họp này cả Thủ tướng và Phó thủ tướng cùng đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội?

Ông Nguyễn Văn Hiển:  Dưới góc độ một đại biểu tôi cảm thấy rất vui và hy vọng là với cách thức điều hành và quản lý của Thủ tướng thì có rất nhiều điểm mới tích cực. Và lần này cả Thủ tướng Phó thủ tướng tham gia, thì hy vọng là tác động sẽ mạnh và nhanh hơn và trực tiếp đến những vấn đề mà đại biểu và Quốc hội quan tâm. Từ những vấn đề được mổ xẻ ở nghị trường cho đến việc sẽ triển khai trên thực tế và kết quả của nó thì tôi hy vọng rằng sẽ có chuyển biến tích cực hơn.

PV: Tham gia phiên chất vấn cùng Thủ tướng, Phó Thủ tướng là lãnh đạo bốn Bộ: Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ văn hóa, thể thao và du lịch, Bộ y tế, Bộ kế hoạch và đầu tư. Vậy điều mà đại biểu quan tâm nhất khi chất vấn các thành viên Chính phủ là gì, thưa ông.?

 Ông Nguyễn Văn Hiển: Đối với Thủ tướng, vấn đề tôi quan tâm chất vấn là tình trạng sạt lở, tức là sạt lở xảy ra trên nhiều hệ thống sông từ Nam tới Bắc. Tuy hiện nay chưa có một báo cáo chính thức hay một nghiên cứu chính thức nhưng qua các tham vấn, các nhà khoa học thì có cảm nhận là có nguyên nhân từ khai thác cát. Do vậy  tôi muốn chất vấn về quản lý tài nguyên nói chung và trong đó tôi muốn chất vấn thẳng vào vấn đề khai thác cát. Vấn đề này nhiều đại biểu đã nêu song tôi cảm thấy chuyển biến chậm. Vấn đề thứ hai mà cử tri quan tâm, muốn chất vấn là việc tìm đầu ra cho chăn nuôi. Cách thức chúng ta làm, phương pháp chúng ta làm không hiệu quả và nó chưa thực sự thể hiện đúng tầm quản lý vĩ mô của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường. Trong nền kinh tế thị trường, Nhà nước có trách nhiệm rất lớn trong điều tiết nền kinh tế vậy thì điều tiết nền kinh tế không thể chạy theo sự vụ.

Đối với Bộ trưởng Bộ y tế hay các Bộ trưởng khác, chúng tôi mong muốn cùng với Bộ trưởng, cùng với cơ quan quản lý đi tận cùng vấn đề, bắt đúng mạch của vấn đề, bắt đúng nguyên nhân để có giải pháp. Qua chất vấn, đại biểu và cơ quan quản lý cùng tìm ra giải pháp.

PV: Tại kỳ họp này, thời lượng chất vấn được kéo dài 3 ngày cùng với đó là phiên thảo luận kinh tế xã hội cũng được bố trí nhiều thời gian hơn dự kiến để có thể bàn thấu đáo nhiều vấn đề. Ông đánh giá như thế nào về việc này?

Ông Nguyễn Văn Hiển: Tôi rất vui khi cơ quan chức năng đã có những điều chỉnh rất linh hoạt. Nếu theo dõi từ đầu nhiệm kỳ đến giờ thì hầu hết các vấn đề từ dự án luật đến cho đến các vấn đề kinh tế, xã hội, số lượng các đại biểu đăng đàn là rất nhiều. Tôi hy vọng là với việc kéo dài thời lượng như vậy thì các đại biểu có nhiều cơ hội hơn để mổ xẻ vấn đề cùng với Chính phủ, Bộ, ngành có thể đưa ra những giải pháp tốt hơn  cho việc quản lý, điều hành nền kinh tế. Căn cứ vào sự điều tiết như vây thì tôi hy vọng ở những phiên họp sau, thời gian chất vấn không chỉ là 3 ngày mà có thể nhiều hơn, căn cứ vào tình hình thực tế như vậy thì công tác lập kế hoạch sẽ tốt hơn.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác