Kết nối kiều bào đầu tư vào khu vực Bắc Trung Bộ

(VOV5) - Kiều bào muốn phát triển khu vực hành lang kinh tế Đông Tây vì đây là một địa điểm kinh tế trọng điểm ở miền Trung.

Lần đầu tiên Hội nghị kết nối kiều bào với địa phương được Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phối hợp với Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài tổ chức tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Đây là dịp để kiều bào giao lưu, tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh và kết nối trực tiếp với các địa phương tại  khu vực miền Trung. Phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam phỏng vấn ông Peter Hồng, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, về việc thu hút đóng góp của kiều bào trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương.

Kết nối kiều bào đầu tư vào khu vực Bắc Trung Bộ - ảnh 1 Ông Peter Hồng, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, phát biểu tại Hội nghị. - Ảnh: dangcongsan.

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:

PV: Thưa ông, Hội nghị kết nối kiều bào với địa phương là sự kiện có ý nghĩa như thế nào trong việc tạo sự gắn bó, kết nối của những người con xa quê đối với đất nước nhất là đối với tỉnh Nghệ An?

Kiều bào khắp nơi trên thế giới đã về dự kết nối kiểu bào với địa phương ở trên quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là một sự kiện nổi bật và đặc biệt. Chúng tôi đã chuẩn bị gần một năm rồi. Điều này nói lên rằng bà con kiều bào mặc dù sống ở xa nhưng mà nói đến quê hương Bác thì rất là dào dạt. Chúng tôi cố gắng hết sức để có thể cùng với tỉnh nhà kết nối nhằm phát triển nền kinh tế của đất nước trong tương lai. Đây là mong mỏi của bà con kiều bào đã gặp gỡ trong những lần hội nghị trước. Tổ chức một hội nghị kết nối với các địa phương cho kiều bào ở đây, chúng tôi rất hãnh diện và rất là vui.

PV: Theo ông, hội nghị này  có vai trò như thế nào trong việc thu hút nguồn lực đầu tư của kiều bào về trong nước?

Kiều bào chúng tôi muốn phát triển khu vực hành lang kinh tế Đông Tây vì đây là một địa điểm kinh tế trọng điểm mà Nhà nước Việt Nam đã đề cập từ nhiều năm nhưng chúng ta chưa triển khai được. Thứ nhất là chương trình về vấn đề logistic, chúng ta chưa có những địa chỉ, ưu điểm để phát triển được trong tương lai. Đa số bà con kiều bào làm việc trong ngành logistic. Và chúng tôi nghĩ rằng khi mà hành lang kinh tế Đông - Tây ở quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức một cách bài bản thì nơi này sẽ là nơi để phát triển nguồn lực cũng như tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế, phát triển kinh tế. Trong hội nghị, rất nhiều chuyên gia và doanh nhân kiều bào sẵn sàng có ý định tìm hiểu cơ hội đầu tư vào tỉnh Nghệ An.

PV: Từ nhiều năm nay, đã có nhiều kiều bào về đầu tư hoặc hợp tác với doanh nghiệp trong nước để phát triển kinh tế địa phương. Theo ông, hội nghị này đã mở ra những cơ hội gì cho bà con kiều bào khi muốn đầu tư ở trong nước?

Câu chuyện về việc kêu gọi kiều bào về nước đầu tư Nhà nước Việt Nam đã làm nhiều lần nhưng lần này có ý nghĩa rất đặc biệt. Đặc biệt là bởi vì lần này tạo cơ hội để kiều bào đầu tư trên quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là một nơi kiều bào có nhiều kỳ vọng đầu tư, tạo điều kiện tốt nhất cho khu vực Bắc Trung bộ gồm: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thanh Hóa. Đây là một địa bàn lớn, nếu chúng ta tập trung đúng hướng, bài bản ở khu vực này sẽ thúc đẩy nền kinh tế của Việt Nam trong tương lai.

PV: Trong năm vừa qua, Việt Nam đăng cai nhiều diễn đàn quốc tế lớn như Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á… Là kiều bào Australia, trong những lần trở về quê hương, ông có ấn tượng như thế nào với sự đổi mới và phát triển của đất nước?

Những năm gần đây, Việt Nam đã có những thay đổi lớn. Việt Nam đang nâng cao uy tín trên thị trường quốc tế sau hội nghị APEC. Năm 2018, lượng kiều hối của kiều bào đóng góp cho quê hương là khoảng 15 tỷ 900 triệu đô la Mỹ. Đây là một con số ấn tượng. Sắp tới, Việt Nam sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2020 thì vị trí của Việt Nam sẽ càng tốt đẹp hơn, có nhiều điều kiện để phát triển hơn và người Việt Nam càng có cơ hội vươn mình ra thế giới lớn hơn.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác