Kết nối và phát huy sức mạnh của doanh nhân kiều bào trong quá trình hội nhập

(VOV5) - Hội doanh nhân việt kiều tại Australia có khoảng 200 hội viên và 50 thành viên hợp tác, tức là các doanh nhân Australia muốn làm ăn với Việt Nam và doanh nhân Việt Nam.


Trong thời gian qua, Hội đã bắc nhịp cầu nối giữa các doanh nhân Việt kiều, doanh nghiệp tại Ôxtrâylia với các đối tác ở Việt Nam. Qua Hội Doanh nhân việt kiều, nhiều hoạt động đã được triển khai, các doanh nhân được kết nối với các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Australia, từ đó, nhiều cuộc triển lãm thương mại, giới thiệu sản phẩm, hội thảo doanh nhân, kêu gọi đầu tư vào Việt Nam đã được tổ chức. 

Nhân dịp năm mới Bính Thân, nhóm phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam có buổi tọa đàm với những thành viên chủ chốt của Hội Doanh nhân Việt kiều Australia về việc kết nối doanh nghiệp hai nước, góp phần phát huy sức mạnh của doanh nhân trong nước và doanh nhân kiều bào ở nước ngoài  nhằm thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của quê hương Việt Nam. 


Kết nối và phát huy sức mạnh của doanh nhân kiều bào trong quá trình hội nhập - ảnh 1
Các thành viên Hội doanh nhân gốc Việt tại Australia tham dự tọa đàm cùng phóng viên VOV

Tham dự cuộc tọa đàm có ông Trần Bá Phúc, Chủ tịch Hội doanh nhân kiều bào toàn Australia; ông Lâm Hồng Huy, chủ chuỗi nhà hàng tại thành phố Melbourne; ông Henry Huynh, doanh nghiệp chuyên về xuất nhập khẩu thủy sản của Việt nam vào Australia;  ông Nguyễn Toản, công ty kế toán hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam khi đưa hàng hóa vào Australia; ông Hoàng Huy Khánh, chủ siêu thị Đà lạt và Á châu, chuyên đưa các loại hàng hóa của Việt Nam và Á châu vào thị trường Australia, cụ thể là thành phố Melbourne; ông Đồng Văn Bột, Tổng giám đốc Công ty sắt thép Chính Đại, nhà máy ở Hưng Yên đang đưa sản phẩm của mình vào Australia.


Nghe âm thanh tọa đàm tại đây:


Việt Nam đánh giá rất cao thế mạnh của doanh nghiệp kiều bào. Nnhưng việc phát húy thế mạnh ấy, trong đó có các doanh nghiệp ở Australia chưa được như mong muốn, ở cả khía cạnh chính sách đối với kiều bào, thu hút nguồn vốn kiều bào về đầu tư. Bởi thế,  đặt ra câu hỏi là trong thời gian tới, khi Việt Nam hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu, việc phát huy thế mạnh của doanh nghiệp kiều bào, cụ thể ở đây là thành phố Melbourne và Australia sẽ như thế nào?  Trong cuộc tọa đàm hôm nay,  rất mong các nhà doanh nghiệp đã có rất nhiều kinh nghiệp từ hoạt động kinh doanh ở Australia chia sẻ về quá trình trưởng thành của doanh nghiệp mình,  cũng như nêu ra những vấn đề tồn tại khi thực hiện việc đưa hàng hóa Việt Nam tiêu thụ ở nước sở tại và đầu tư về trong nước. 

Kết nối và phát huy sức mạnh của doanh nhân kiều bào trong quá trình hội nhập - ảnh 2

Ông Trần Bá Phúc, Chủ tịch Hội doanh nhân gốc Việt tại Australia
đang trả lời câu hỏi của phóng viên VOV

PV: Thưa ông Trần Bá Phúc, Hội doanh nghiệp, doanh nhân kiều bào ở Australia xuất phát từ những nguyên do gì?

Ông Trần Bá Phúc: Kính thưa quý Đài TNVN, kính thưa quý vị,

Tại nước Australia có khoảng trên 300 000 người Việt Nam sống ở hai tiểu bang lớn. Thành phố Melbourne của tiểu bang Victoria có khoảng hơn 100 000 người Việt nam, thành phố Sydney của tiểu bang New South Wales có khoảng trên 115 000 người, còn lại sống rải rác ở các tiểu bang khác. Người Việt Nam thành đạt nhiều, trên mọi lãnh vực. Nhu cầu của con người ngày càng phát triển hơn nên các doanh nghiệp Việt hướng về Việt nam để đưa hàng hóa sang Australia và cũng tìm đầu mối để đưa nguyên vật liệu từ Australia về tại Việt Nam. Hội doanh nhân là tổ chức nghề nghiệp của các doanh nhân Việt Kiều tại Australia được thành lập từ đầu năm 2010. Nguyên nhân xuất phát để thành lập Hội bởi nhu cầu đòi hỏi của các doanh nhân gốc Việt  đang làm ăn, sinh sống tại Australia. Hội doanh nhân cũng là chiếc cầu nối hỗ trợ doanh nghiệp trong nước muốn tìm thị trường ở Australia.

Kết nối và phát huy sức mạnh của doanh nhân kiều bào trong quá trình hội nhập - ảnh 3

Ông Hoàng Huy Khánh, chủ siêu thị Đà lạt và Á châu, chuyên đưa các loại hàng hóa của Việt Nam và Á châu vào thị trường Australia

PV: Thưa ông Hoàng Huy Khánh, ông đã từng đưa hàng hóa từ Á châu vào Australia, quá trình để đưa hàng hóa vào thị trường này với ông có gặp khó khăn gì không?


Ông Hoàng Huy Khánh
: Tôi là một nhà nhập cảng và phân phối thực phẩm Á Châu cho khắp nước Australia này. Tôi nhập hàng hóa Việt Nam, bắt đầu từ Thái Lan. Từ năm 1993 tôi mới bắt đầu trực tiếp về Việt Nam bắt đầu khai thác sản phẩm của Việt Nam cho thị trường Australia. Thực phẩn Á Châu bắt nguồn từ Thái Lan, nhưng cũng do người Việt qua đó chỉ cho người Thái, cố vấn cho người Thái để làm những sản phẩm đó ra và cung ứng cho người Việt ở khắp nơi trên thế giới.  Cho tới năm 1993, với chính sách mở cửa của nước nhà thì một số sản phẩm của Việt Nam bắt đầu thâm nhập và thế cho nguồn của Thái vào thị trường này. Cho tới hiện nay, những thực phẩm Việt Nam của mình lần lần đã thay thế nguồn thực phẩm của Thái trong những cửa hàng hoặc siêu thị cung cấp cho người gốc Á và người Việt Nam.

Kết nối và phát huy sức mạnh của doanh nhân kiều bào trong quá trình hội nhập - ảnh 4

Ông Lâm Hồng Huy, chủ chuỗi nhà hàng tại thành phố Melbourne

PV: Thưa ông Lâm Hồng Huy và ông ông Henry Huynh, có một thực tế đã diễn ra như sau, thực phẩm có nguồn gốc Việt Nam được xuất khẩu tới rất nhiều nước trên thế giới nhưng lại thường mang thương hiệu của các nước khác. Là những doanh nghiệp trực tiếp đưa hàng hóa cung cấp cho thị trường bản địa ở đây, các ông làm thế nào để đưa được hàng Việt Nam, mang thương hiệu Việt Nam giới thiệu với người dân bản địa?

Ông Lâm Hồng Huy: Tôi nghĩ rằng, điều căn bản là từ phía Việt Nam mà phải xuất phát từ vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm thì mình mới có thể tránh được phải mang nhãn hiệu nước khác. Trước đây, những sản phẩm thô của mình như mắm, tiêu… được nhập qua Thái Lan và chế biến, đóng gói theo cách của người Thái, của Đài Loan hoặc của Singapore. Nhưng mà bây giờ đây thì Việt Nam mình cũng có nhiều sản phẩm sản xuất ở trong nước và đạt tới tiêu chuẩn không thua Thái Lan, ví dụ như những sản phẩm của Masan chẳng hạn, gồm nước mắm, tiêu, hành, ớt, tỏi, mì, đủ cả…; hoặc là một số sản phẩm của Cholimex rất đạt tiêu chuẩn để đi ra nước ngoài. Hiện trạng việc nguyên liệu thô của Việt Nam được các nước khác nhập về chế biến và xuất qua bên này càng ngày càng giảm đi. Chính tôi đã chủ động nhập tất cả các mặt hàng đó và mang đúng nhãn hiệu sản xuất từ Việt Nam một cách rất rõ ràng. Bây giờ đây thị trường nói chung không những ở Úc, Mỹ hoặc Âu Châu, thực phẩm Việt Nam đang lấn dần sân so với thực  phẩm của Thái Lan.

Kết nối và phát huy sức mạnh của doanh nhân kiều bào trong quá trình hội nhập - ảnh 5


Ông Henry Huynh, doanh nghiệp chuyên về xuất nhập khẩu thủy sản của Việt nam vào Australia


Ông Henry Huỳnh: Thủy sản Việt Nam chất lượng rất tốt nếu so sánh với tất cả các nước khác. Thế giới không có nước nào có cá Basa, chỉ Việt Nam có.

Kết nối và phát huy sức mạnh của doanh nhân kiều bào trong quá trình hội nhập - ảnh 6


Ông Đồng Văn Bột, Tổng giám đốc Công ty sắt thép Chính Đại, nhà máy ở Hưng Yên đang đưa sản phẩm của mình vào Australia.


PV: Thưa quý vị và các bạn, tham gia cuộc tọa đàm hôm nay có đại diện một doanh nghiệp từ Việt nam sang, doanh nghiệp này xuất khẩu một loại hàng hóa mà Australia cũng rất có thế mạnh, đó là sản phẩm thép xây dựng. Công ty sắt thép Chính Đại do ông Đông Văn Bột làm Tổng giám đốc đã đưa sản phẩm vào thị trường này. Xin ông Đồng Văn Bột có thể chia sẻ những thông tin về việc tiếp cận thị trường Australia trong thời gian vừa qua?


Ông Đồng Văn Bột
: Trước hết tôi xin cám ơn VOV, cám ơn ông Trần Bá Phúc đã tạo cơ hội rất bất ngờ trong cuộc gặp mặt hôm nay với Hội Doanh nhân người  Việt tại Australia. Để thực hiện được, phát triển được mong muốn của các doanh nghiệp thì tôi cho rằng việc hợp tác giữa các hiệp hội, đặc biệt là hội doanh nhân gốc Việt tại Australia, tôi cho rằng rất cần thiết và quan trọng đối với các doanh nhân, nhất là những doanh nghiệp tìm kiếm thị trường mới như chúng tôi. Sự hợp tác ấy giúp cho chúng tôi hiểu biết về thị trường, về nhu cầu và đặc tính của người dân. Hội cũng giúp chúng tôi nắm bắt tốt hơn luật pháp của nước sở tại, những quy định về thể chế của thị trường mà mình quan tâm, mình đi đến. Thứ ba là tạo quan hệ về mặt tình cảm, buôn có bạn, bán có phường, bổ sung kinh nghiệm cho nhau ở nhiều lĩnh vực. Tôi cho rằng đó là những yếu tố rất quan trọng tạo sự thành công trong hoạt động xuất nhập khẩu. Tôi cũng mong muốn Hội doanh nhân gốc Việt có sự gắn kết, giúp đỡ những doanh nghiệp như chúng tôi để có thể vượt qua được những khó khăn thử thách trong những bước tìm kiếm thị trường và thành công ở thị trường Australia. 

Kết nối và phát huy sức mạnh của doanh nhân kiều bào trong quá trình hội nhập - ảnh 7


Ông Nguyễn Toản, công ty kế toán hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam khi đưa hàng hóa vào Australia; ông Hoàng Huy Khánh, chủ siêu thị Đà lạt và Á châu, chuyên đưa các loại hàng hóa của Việt Nam và Á châu vào thị trường Australia

PV: Thưa ông Nguyễn Toản, ông là chuyên gia tư vấn đồng thời kiểm toán hỗ trợ các doanh nghiệp khi nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam vào thị trường Australia. Từ công việc của mình, ông đánh giá như thế nào về hoạt động của các doanh nghiệp khi đưa hàng hóa Việt Nam và Châu á vào thị trường này?

Ông Nguyễn Toản: Trong quá trình làm việc với các doanh nghiệp ở Melbourne, trong đó, có rất nhiều các doanh nghiệp gốc Việt đưa hàng hóa của Việt Nam vào thị trường này, tôi thấy hàng hóa Việt nam rất có tiềm năng để tiếp cận thị trường Australia, nhất là tại Melbourne. Rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ của người Việt đã đưa hàng hóa của Việt Nam sang. Khi đưa hàng hóa từ Việt Nam sang đây cần những thủ tục, tư vấn về thuế vụ, thì văn phòng chúng tôi sẽ lo và hỗ trợ.

PV: Thưa quý vị khách mời, việc phát huy thế mạnh của các doanh nghiệp kiều bào, theo luật sư Trần Bá Phúc thì những vướng mắc của doanh nghiệp kiều bào khi đầu tư, kết nối với đất nước trong thời gian vừa qua là gỉ?

Ông Trần Bá Phúc: Kiều bào ở đây rất muốn đầu tư về trong nước vì họ là người Việt Nam, am hiểu được văn hóa, đất nước, bởi thế họ cảm thấy có sự thuận lợi khi về đầu tư. Họ đem công nghệ cũng như kinh nghiệm kinh doanh có sẵn ở nước ngoài về đầu tư để phát triển trong nước. Đó là điều lợi cho đất nước. Nhưng cũng có nhiều doanh nhân rời Việt Nam, sinh sống ở nước ngoài quá lâu, khi trở về bị bỡ ngỡ với những thủ tục rườm rà ở Việt Nam. Riêng tôi, tôi thấy nếu nhà nước Việt Nam muốn phát huy tiềm năng của lực lượng người Việt Nam ở nước ngoài về đầu tư trong nước, muốn khuyến khích kiều bào về một nhiều hơn thì nên giản dị hóa về thủ tục, cần thông thoáng hơn nữa. Và đặc biệt, nếu có những chính sách, quy định để bảo đảm nguồn vốn đem về đầu tư, thì tôi nghĩ, số lượng người Việt Nam ở nước ngoài hướng về quê hương đầu tư sẽ tăng nhanh hơn vì tiềm năng của doanh nghiệp người Việt ở nước ngoài rất lớn bởi chỉ riêng tiền kiều hối gửi về trong nước một năm đã hơn 10 tỷ USD rồi, đấy mới chỉ là số tiền phục vụ cho gia đình chi dùng, nếu họ đem vốn liếng về đầu tư tôi nghĩ còn nhiều hơn nữa.

Còn ngược lại, những doanh nhân ở trong nước muốn đưa hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường Austrlia, tôi thấy rằng doanh nhân trong nước có nhiều điểm mạnh là hàng hóa Việt Nam bây giờ rất chất lượng. Vừa qua, có một doanh nghiệp nhập hải sản của Việt Nam, họ nói, tôm Việt Nam là loại tốt nhất so với các sản phẩm cùng loại trên thế giới nhập vào Australia.

PV: Như các vị khách mời vừa cho biết, rõ ràng, khi mà có sự kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp ở Australia thì hiệu quả trong việc đưa hàng hóa của Việt nam sang thị trường này rất rõ ràng. Các vị có thể đánh giá về mỗi liên kết hiện nay giữa doanh nghiệp việt kiều ở Melbourne với các hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp trong nước . Các vị có mong muốn gì không trọng việc tạo lập mỗi quan hệ như thế trong thời gian tới?

Ông Henry Huỳnh: Về lĩnh vực thực phẩm, tôi nghĩ các doanh nghiệp Việt Nam nên vươn dài tay, mở rộng thị trường quốc tế, thay vì chỉ quan tâm tới thị trường nội địa.  Về việc kết nối giữa doanh nghiệp trong và ngoài, tôi mong muốn có sự kết nối chặt chẽ hơn nữa thì việc chiếm lĩnh và phát triển thị trường nước ngoài sẽ rất dễ dàng, rất tốt vì những người Việt ở nước ngoài am hiểu thị trường ở đây, họ thông hiểu luật pháp và tập tính tiêu dùng của người bản địa. Nếu doanh nghiệp trong nước kết nối với doanh nghiệp kiều bào sẽ tiếp cận thị trường nước ngoài rất là thuận lợi.

Ông Lâm Hồng Huy: Nếu trong tương lai, chính sách của Việt Nam có sự bảo vệ cho kiều bào ở nước ngoài về đầu tư, có sự hướng dẫn thì tôi nghĩ rất là tốt vì tôi nghĩ môi trường đầu tư của Việt nam rất tốt, rất vàng son, so với các nước Á Châu và các nước trên thế giới. Đa số việt kiều ở nước ngoài đều có tấm lòng muốn về nước đầu tư. Khi luật pháp và chính sách rõ ràng, hoàn thiện thì tôi nghĩ nguồn lực của kiều bào ở nước ngoài rất mạnh, hiện nhiều người rất thành công và họ sẽ về Việt Nam để đầu tư.  Việt Nam sẽ phát triển rất nhanh, mà tôi nghĩ sẽ hơn các nước Á Châu hiện hữu bây giờ. 

ông Nguyễn Bảo: Những doanh nghiệp của Việt Nam nên tìm hiểu một số vấn đề về thủ tục cũng như những luật cơ bản trước khi chúng ta đưa hàng hóa qua đây. Ví dụ như chúng ta muốn xuất một số mặt hàng về thực phẩm thì chúng ta nên tìm hiểu về luật thực phẩm của Australia, vì đây là nước rất khắt khe trong việc kiểm soát về thực phẩm trên thế giới, cho nên, nếu chúng ta tìm hiểu được vấn đề đó thì đưa hàng hóa sang Australia rất dễ, lúc đó sẽ không ảnh hưởng đến việc đưa hàng hóa tới đây. Ví dụ, từ lúc chúng ta đưa hàng hóa tới, đến lúc được hải quan thông qua sẽ nhanh và đỡ tốn thời gian và chi phí rất nhiều.

Kết nối và phát huy sức mạnh của doanh nhân kiều bào trong quá trình hội nhập - ảnh 8


Pv: Thế còn ý kiến của ông Đồng Văn Bột?

Ông Đồng Văn Bột: Tôi mới đặt chân và thị trường Australia. Theo tôi, cơ hội lại chính từ đất nước Việt Nam, từ cơ chế chính sách, nguồn lao động và doanh nhân Việt Nam đều có khát vọng phát triển kinh tế, phát triển đất nước, phát triển doanh nghiệp của mình. Đấy là thuận lợi. Nhưng trong quá trình hội nhập, không riêng gì thị trường Australia, các thị trường khác cũng luôn tồn tại sự cạnh tranh. Để đặt chân vào thị trường, anh phải chấp nhận luật chơi, và muốn biết được luật chơi thì anh phải tìm hiểu về luật pháp, thị hiếu và những quy định của thị trường. Tôi cho rằng đấy là những thử thách rất lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam. Để giải quyết vấn đề ấy thì phải có một quá trình, đặc biệt là sự gắn kết giữa các doanh nhân trong nước và nước ngoài. Điều quan trọng nhất là chúng ta gắn kết được với nhau để chia sẻ kinh nghiệm bởi nền tảng kiến thức chính là từ thực tiễn kinh doanh là những điều quyết định đến sự thành công.

PV: Vâng, xin cảm ơn các vị khách mời,

Kính thưa các vị, trong thời điểm chúng ta ngồi đây cũng đã bước sang năm mới 2016, tôi nghĩ các vị khách mời ở đây, ai cũng ước mong một điều gì đó trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mình cũng như sự kết nối chung giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm phát huy được thế mạnh của doanh nghiệp kiều bào cũng như doanh nghiệp trong nước khi tiếp cận thị trường Việt Nam và thị trường Australia.

Ông Lâm Hông Huy: Tôi rất mong rằng quê hương mình ngày càng tiến bộ. Những kiều bào ở nước ngoài cũng vậy. Nhân dịp năm mới, tôi chúc thính giả Đài Tiếng nói Việt Nam và các doanh nghiệp, mọi người đều an khang, hạnh phúc, vui vẻ, đón một năm mới đầy hy vọng và thành công.

Ông Nguyễn Bảo:  Tôi mong muốn được gửi lời chúc tết đến thính giả Đài Tiếng nói Việt Nam. Những tin tức tốt lành mà tôi nhận được rằng Việt Nam mình gia nhập khối TPP, hy vọng đất nước mình sẽ ngày một tiến bộ hơn nhiều. Anh em ở hải ngoại luôn sẵn sàng đóng góp cho nước mẹ của mình. Xin chúc quý đồng hương, đặc biệt là các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài chúng ta nên xích lại gần nhau để tương đồng và hỗ trợ, hướng tới đưa hàng hóa của Việt Nam ra nước ngoài, đồng thời cũng kêu gọi các doanh nghiệp Việt Kiều đưa vốn, công nghệ và tri thức về để phát triển đất nước. Kính chúc tất cả đồng bào người Việt ở khắp nơi trên thế giới năm mới an khang, thịnh vượng.

Ông Hoàng Huy Khánh: Là người Việt ở nước ngoài, chúng tôi luôn cố gắng làm tất cả những gì mình có thể làm được để đóng góp một phần cho sự phát triển của quốc gia chúng ta. Chúng tôi hy vọng rằng, trong năm mới 2016, chúng ta sẽ có sự kết hợp thuận lợi giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Ông Henry Nguyễn: Đầu năm mới, tôi chúc Đài VOV phát triển mạnh, trong nước cũng phát triển tiến bộ và khả quan, đồng bào trong nước và kiều bào ở nước ngoài được hạnh phúc, vui vẻ, thành công nhiều hơn nữa.

PVCảm ơn các vị khách mời đã đồng hành cùng Đài Tiếng nói Việt Nam khi thảo luận về việc kết nối và phát huy sức mạnh của doanh nhân trong nước và doanh nhân kiều bào trong một dịp rất ý nghĩa, bước sang năm mới 2016. Chúc cho các doanh nhân kiều bào cũng như doanh nhân Việt Nam đang tiếp cận với thị trường Australia một năm mới có nhiều sức khỏe, thành công và đạt được những mong ước của chúng ta đã nêu ra là kết nối và phát huy sức mạnh của doanh nhân ở cả trong nước và nước ngoài để góp phần đưa đất nước ngày một hội nhập và phát triển.

Phản hồi

Các tin/bài khác