KTS, TS Ngô Viết Nam Sơn: Bảo tồn di sản mang lại lợi ích lớn cho phát triển đô thị tương lai

(VOV5) -"Tổng hợp những vấn đề này cho chúng ta một bức tranh về bảo tồn kiến trúc đô thị trên tinh thần vì lợi ích chung".

Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…cũng như nhiều thành phố khác ở châu Á đang đối mặt với những thách thức trong việc kết hợp phát triển đô thị thông minh với gìn giữ bản sắc văn hóa. Điều quan trọng hơn là sử dụng, điều chỉnh những giá trị kiến trúc lịch sử đó làm sao cho phù hợp với nhu cầu hiện tại. Về vấn đề này, TS, KTS Ngô Viết Nam Sơn, người có 30 năm kinh nghiệm và thành công với nhiều dự án kiến trúc, quy hoạch đô thị ở Mỹ, Canađa, Philipin, Trung Quốc và Việt Nam trả lời phỏng vấn VOV5..

 Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:

KTS, TS Ngô Viết Nam Sơn: Bảo tồn di sản mang lại lợi ích lớn cho phát triển đô thị tương lai - ảnh 1TS, KTS Ngô Viết Nam Sơn người có 30 năm  từng tham gia quy hoạch và thiết kế nhiều dự án lớn ở nước ngoài như nhà ga sân bay quốc tế Aquino (Philippines), Phố Đông và hai bờ sông Hoàng Phố (Thượng Hải, Trung Quốc), Thành phố Kyoto Thế kỷ 21 (Nhật Bản), Dự án phát triển Le Havre (Montreal, Canada)...- .Ảnh KC/NĐH

PV: Thưa KTS Ngô Viết Nam Sơn, những năm gần đây vấn đề bảo tồn di sản đô thị luôn được nhắc đến trong bối cảnh các thành phố lớn ở Việt Nam đang phát triển theo xu hướng thông minh. Vậy xin ông cho biết sự cần thiết của việc gìn giữ những giá trị lịch sử đó?

TS, KTS Ngô Viết Nam Sơn: Việc bảo tồn di sản đô thị đem lại lợi ích rất lớn cho sự phát triển tương lai của thành phố cũng như cho việc giữ gìn giá trị lịch sử văn hóa xã hôi. Việc bảo tồn nếu được làm tốt sẽ đem lại nguồn thu kinh tế rất lớn và chúng ta có thể học được kinh nghiệm từ nhiều nước như Pháp, Italia…

Về văn hóa, đối với những đô thị như Hà Nội với hàng nghìn năm lịch sử, TP Hồ Chí Minh hơn 300 năm và các thành phố khác, việc bảo tồn sẽ giúp chúng ta giữ được từng khu vực thể hiện sự phát triển qua từng thời đại, ký ức lịch sử. Nếu chúng ta vừa bảo tồn được những giá trị cũ, vừa xây dựng khu vực mới với bản sắc mới thì chúng ta sẽ tạo một câu chuyện đô thị vô cùng hấp dẫn khách du lịch. Bởi, khi đến đây họ muốn biết về lịch sử phát triển thành phố. Qua đó nổi lên câu chuyện là bố cục, quy hoạch kiến trúc thế nào, công trình phát triển thể nào, đời sống cộng đồng dân cư dân cải thiện ra sao rồi những giá trị phi vật thể được gìn giữ như thế nào...Đó thật sự là sức thu hút rất lớn với khách du lịch.

Mặt khác, đây còn cách giáo dục rất tốt, giúp con em các thế hệ thấy được và trân trọng những giá trị mà cha ông đã làm nên, qua đó nuôi dưỡng niềm tự hào, tạo sự gắn bó cũng như thôi thúc họ dù ở đâu đều muốn đóng góp cho thành phố quê hương và trong tương lai thế hệ trẻ lại tiếp đuốc tiền nhân khai phá những dự án, xây dựng những đô thị mới.

KTS, TS Ngô Viết Nam Sơn: Bảo tồn di sản mang lại lợi ích lớn cho phát triển đô thị tương lai - ảnh 2Khách sạn Sofitel Metrope Ha Noi, công trình kiến trúc thời Pháp. Ảnh dothi.vn 

PV: Tham gia nhóm thiết kế khu đô thị Nam Sài Gòn, quy hoạch Hà Nội Mới, quy hoạch lại Phú Quốc, Đà Nẵng… theo ông thì công tác bảo tồn di sản gắn với phát triển đô thị ở Việt Nam cần phải lưu ý đến những yếu tố gì?

TS, KTS Ngô Viết Nam Sơn: Có thể thấy, 2 nhóm người có tác động mạnh nhất vào việc bảo tồn bản sắc văn hóa, bảo vệ môi trường và phát triển đô thị. Thứ nhất là các nhà đầu tư, thứ 2 là lãnh đạo chính quyền địa phương - đại diện người dân. Ngoài ra, còn có sự tác động của khách du lịch, những đơn vị cung cấp dịch vụ, cung cấp hạ tầng xã hội. Bên cạnh đó là các nhóm tư vấn cho dự án gồm nhà thầu, kiến trúc, kỹ sư, truyền thông, nghệ sĩ…

Tổng hợp những vấn đề này cho chúng ta một bức tranh về bảo tồn kiến trúc đô thị trên tinh thần vì lợi ích chung. Để làm tốt công tác bảo tồn và phát triển, điều quan trọng nhất là làm sao phải đảm bào hài hòa lợi ích cho tất cả các bên tham gia. Tôi cho rằng, vai trò của chính quyền vô cùng quan trọng trong việc thương lượng với các nhà đầu tư, để đi đến một giải pháp hiệu quả vừa đáp ứng nhu cầu của họ, vừa bảo vệ những di sản cha ông để lại. Nếu chúng ta làm được điều đó sẽ tạo nên một sức mạnh tổng hợp rất lớn, giúp cho thành phố phát triển mạnh hơn rất nhiều.

PV: Ở Việt Nam, ông thấy thành phố nào đang làm tốt việc bảo tồn di sản cũng như có quy hoạch tốt về kiến trúc đô thị.?

TS, KTS Ngô Viết Nam Sơn: Hiện nay, tôi thấy có 2 thành phố Hội An và Huế có công tác bảo tồn tốt hàng đầu. Hội An sớm khoanh vùng khu lịch sử và có những bảo vệ di sản kiến trúc quy hoạch và những hoạt động bên trong. Còn ở Thừa Thiên Huế, lãnh đạo tỉnh đã bảo vệ khu lịch sử theo từng thời kỳ, không cho phép xây dựng phá vỡ cảnh quan, bản sắc đô thị như khu Thành Nội của Huế thế kỷ 19. Khu bản sắc thế kỷ 20 do người Pháp xây dựng cũng được bảo tồn tốt, là khu trung tâm của Huế. Xu hướng tới, tỉnh Thừa Thiên Huế tập trung xây dựng một khu đô thị mới An Vân Dương, ở đó khuyến khích các tòa nhà cao tầng, công trình hiện đại. Như vậy là tỉnh Thừa Thiên Huế đã cân đối được vấn đề bảo tồn - phát triển, vừa tạo điều kiện cho nhà đầu tư có đất để phát triển mà vừa giữ lại được những giá trị lịch sử cho người dân. Đây cũng chính là yếu tố quan trọng cho sự phát triển bền vững ngành du lịch địa phương.

KTS, TS Ngô Viết Nam Sơn: Bảo tồn di sản mang lại lợi ích lớn cho phát triển đô thị tương lai - ảnh 3 Khu phố cổ Hội An. Ảnh Dulich.vn

PV: Ông nhận xét như thế nào về xu hướng phát triển Smart Cities ở Việt Nam hiện nay và việc bảo tồn kiến trúc di sản có ảnh hưởng gì đến “quản lý thông minh” không thưa ông.?

TS, KTS Ngô Viết Nam Sơn: Hiện nay các đô thị trên toàn quốc có xu hướng là đều muốn phát triển theo hướng thành phố thông minh. Tôi nghĩ là xu hướng phát triển thông minh là đúng, nhưng mà chiến lược của từng thành phố là không giống nhau về quy mô, về ngân sách rồi nhu cầu phát triển, rồi khả năng ứng dụng công nghệ. Theo tôi, nên phát triển thông minh theo hướng chọn lọc lĩnh vực cần ưu tiên. Bởi vì đầu tư cho Smart City là vô cùng tốn kém, rồi phối hợp đồng bộ ở tất các sở ban ngành làm sao sử dụng công nghệ thông minh một cách hiệu quả.

Chẳng hạn như TP HCM đang phải đối mặt với tình trạng kẹt xe, ngập lụt gia tăng thì cần phải ưu tiên những công nghệ quản lý giao thông thông minh. Các Sở Giao thông, Sở Kiến trúc, Tài nguyên môi trường…phải kết hợp đồng bộ để có được sự tổng hòa, đem lại hiệu quả tốt nhất cho kinh tế đô thị. Nói chung, quản lý thông minh là giá trị cộng thêm không liên quan lắm đến bảo tồn di sản, nhưng tận dụng được nó sẽ làm tăng giá trị cho việc định hướng phát triển, làm sao ít ảnh hưởng đến câu chuyện bảo tồn di sản quốc gia.

KTS, TS Ngô Viết Nam Sơn: Bảo tồn di sản mang lại lợi ích lớn cho phát triển đô thị tương lai - ảnh 4Phố cổ Hà Nội mang đậm bản sắc văn hóa bản địa và là nét văn hóa quan trọng cho cảnh quan đô thị Hà Nội. Ảnh:Việt Khuê 

Về cơ sở hạ tầng, trong Smart City, thường nói đến kiến trúc xanh hay quy hoạch bền vững. Bền vững ở đây có nghĩa rằng những khu lịch sử đã ổn định thì chúng ta chỉ nên chỉnh trang, tận dụng nó chứ đừng phá hỏng cấu trúc vốn có của nó. Để cân bằng cuộc sống và nhu cầu xanh, một đô thị thông minh sẽ phải có những công trình tiết kiệm năng lượng, sử dụng vật liệu sinh thái và dĩ nhiên là rất nhiều cây xanh. Đó, chúng ta phải nhìn ở góc độ tổng hợp như vậy thì mới đúng là quy hoạch và kiến trúc bền vững.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác