Nâng tầm nghiên cứu của các trung tâm công nghệ cao để xây dựng nền kinh tế tri thức

(VOV5) - "Nếu có thể thì cần phải xây dựng đề án làm sao để 20 – 25 năm nữa, trường đại học nghiên cứu của Việt Nam sẽ đứng vào được top 50 thế giới". 

Trong những năm qua kinh tế tri thức được chọn làm chiến lược phát triển của nhiều quốc gia, cả những nước phát triển và đang phát triển. Với Việt Nam, với nền tảng là thành tựu về kinh tế sau hơn 30 năm đổi mới, hội nhập vào nền kinh tế tri thức toàn cầu là cơ hội cho chúng ta nắm bắt, vận dụng tri thức và công nghệ mới để đẩy nhanh và rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Vậy làm thế nào để xây dựng và phát huy hiệu quả của nền kinh tế tri thức trong bối cảnh Việt Nam? Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Bằng hiện là Giám đốc chương trình thạc sĩ tài chính, Đại học Cambridge và giảng dạy tại khoa tài chính của Đại học Cambridge sẽ nêu một số ý kiến về vấn đề này.

Nâng tầm nghiên cứu của các trung tâm công nghệ cao để xây dựng nền kinh tế tri thức - ảnh 1

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Bằng

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:

PV: Thưa GS Nguyễn Đăng Bằng, trong một số cuộc hội thảo gần đây mà ông tham gia, tôi có thấy ông đề cập về sự cần thiết trong việc xây dựng một nền kinh tế tri thức tại Việt Nam?!

GS Nguyễn Đăng Bằng: Tôi có may mắn được sống và giảng dạy tại trường Cambridge. Khu công nghệ cao xung quanh trường là một trong 3 khu công nghệ cao lớn nhất thế giới. Ở đó tôi đã nhìn thấy nền kinh tế tri thức đã trở thành hiện thực hàng ngày. Khâu khó nhất để xây dựng một nền kinh tế tri thức ở mọi nơi là phải có một hệ sinh thái cho nền kinh tế tri thức đó, mà trong hệ sinh thái đó phải có một vài tác nhân quan trọng, ví dụ như phải có một trung tâm nghiên cứu hoặc một Đại học nghiên cứu – nơi sẽ sản sinh ra những phát minh, sáng chế và những giải pháp công nghệ. Ngoài ra cũng cần có cộng đồng các nhà đầu tư mạo hiểm và các nhà đầu tư cá nhân sẵn sàng đầu tư vào để phát triển những công nghệ đó. Ở nước mình hiện nay đã có một vài tác nhân của nền kinh tế tri thức rồi, cũng có một vài nhà đầu tư nho nhỏ, cũng có một vài khu công nghệ cao, nhưng điểm khác biệt của những khu công nghệ cao ở những nơi có nền kinh tế tri thức đã thành hiện thực và phát triển như Cambridge là họ tập trung thực sự vào tri thức chứ không tập trung nhiều quá vào việc sản xuất phần cứng. Vì vậy điều mà tôi thấy quan trọng nhất là nâng tầm nghiên cứu của các trung tâm công nghệ cao này lên một tầm mới, và muốn như thế chúng ta phải xây dựng một trung tâm nghiên cứu mạnh. Tôi cũng đề xuất là xây dựng một trường Đại học nghiên cứu, không nhất thiết phải to nhưng nhất thiết cần có chất lượng nghiên cứu cao. Nếu có thể thì cần phải xây dựng đề án làm sao để 20 – 25 năm nữa, trường đại học nghiên cứu đó sẽ đứng vào được top 50 thế giới. Điều đó không hề dễ nhưng tôi nghĩ chúng ta hoàn toàn có thể làm được.

PV: Một trung tâm nghiên cứu, hay một đại học nghiên cứu như ông vừa nói đến, liệu chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam có thể đáp ứng được không?

GS Nguyễn Đăng Bằng: Nhân lực chất lượng cao luôn thiếu. Nhân tài luôn thiếu ở mọi nơi. Đúng là chúng ta có nhiều vấn đề về nhân lực, nhưng không phải là chúng ta không có. Trước mắt, cần hiểu rõ chúng ta có cái gì và tốt đến cỡ nào. Tôi đánh giá cao một điểm mạnh của Việt Nam, đó là chúng ta không thiếu những bạn trẻ, và chung sta không thiếu nhiệt huyết. Cái mà chúng ta thiếu để cải thiện năng lực là phải định hướng cho các bạn trẻ, phải có những trung tâm nghiên cứu cao để các bạn trẻ có chỗ thi thố. Nếu chỉ nhìn vào tình trạng nhân lực hiện nay thì có thể thấy rõ chúng ta đang thiếu và chưa đạt trình độ quốc tế, thế nhưng đó chỉ là một vế của vấn đề. Làm thế nào để thay đổi tình trạng đó nhanh chóng? Giải pháp là phải tập trung lại. Tập trung tất cả nguồn lực vào một trung tâm nghiên cứu lớn mà ở đó có một hạt nhân là một trung tâm nghiên cứu lớn hoặc một trường Đại học, xung quanh có một khu học xá bao gồm các công ty công nghệ cao. Trung tâm nghiên cứu này cũng phải là một trung tâm mở để tất cả nhân tài của thế giới có thể tới được. Chúng ta cũng cần có những chính sách để các nhân tài có thể tới được. Tất nhiên chúng ta sẽ ưu tiên những bạn trẻ Việt Nam đã từng học Tiến sĩ ở nước ngoài, có khả năng nghiên cứu, hoặc những chuyên gia hàng đầu người Việt. Nhưng chúng ta cũng phải mở cửa cho những chuyên gia nghiên cứu tốt. Nhân tài là không biên giới nếu chúng ta có cơ chế tốt, có cách thu hút đúng. Chúng ta không cần ngân sách lớn, đó không phải là yếu tố tiên quyết để thành công mà quan trọng hơn là cần phải hiểu cách làm và làm đúng thì sẽ vừa tiết kiệm được ngân sách vừa thu được hiệu quả lớn.

PV: Và để nói về công việc hiện tại của mình, ông có thể chia sẻ đôi điều với thính giả của Đài TNVN?

GS Nguyễn Đăng Bằng: Tôi sinh ra ở Việt Nam, lớn lên ở Việt Nam. Tôi ra nước ngoài năm 22 tuổi. Bố mẹ tôi vẫn đang ở Việt Nam nên tôi vẫn thường xuyên về Việt Nam thăm gia đình và tôi cũng cố gắng đi giảng dạy cho một số chương trình cao học và Tiến sĩ ở Việt Nam. Tôi cũng dành một chút thời gian nói chuyện với các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương để tư vấn giúp các cấp chính quyền hoạch định chính sách giáo dục, chính sách kinh tế và chính sách tài chính là những lĩnh vực mà tôi có chuyên môn. Tôi hy vọng là qua cách đó tôi đóng góp được cho Tổ quốc của mình.

PV: Xin cảm ơn Giáo sư.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác