Những vấn đề đặt ra khi triển khai đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông

(VOV5) - Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa  XIII, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Trong các phiên họp, các đại biểu quốc hội đã tiến hành thảo luận về Đề án với mục tiêu làm sao nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học, đồng thời tăng cường cơ chế giám sát của Quốc hội. Về những nội dung này, phóng viên đài TNVN đã phỏng vấn bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội. Mời quý vị và các bạn cùng nghe. 

Nghe nội dung chi tiết tại đây:


Phóng viên:
  Thưa bà, đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã được đưa ra thảo luận và cũng đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội để làm sao triển khai hiệu quả vào thực tiễn. Ý kiến của bà về vấn đề này?

Bà Ngô Thị Minh: Quốc hội khóa 10 có một  nghị quyết cũng về chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông nhưng tới thời điểm này Nghị quyết 40 của Quốc hội khóa 10 có hiệu lực đến năm 2010 nhưng thực thi chưa như mong muốn. Vì đổi mới phải đồng hành cùng với dổi mới phương pháp dạy và học và đổi mới phương pháp dạy và học phải đúng tinh thần như Nghị quyết 40 của Quốc hội khóa 10 là được sử dụng thiết bị trợ giảng, có phòng học bộ môn, lấy người học làm trung tâm, sĩ số học sinh ít thôi thì tất cả chương trình sgk chúng ta biên soạn mới có thể đi vào cuộc sống. Thì đến giờ phút này, tôi nghĩ rằng, Chính phủ cần xem xét song hành cùng với chương trình đổi mới sách giáo khoa mới, để chúng ta đổi mới phương pháp dạy và học theo phương pháp tích hợp, đào tạo theo tín chỉ, nâng cao năng lực cho học sinh thì việc này phải song hành cùng với tổ chức, sắp xếp lại giờ học, đúng quy trình, trình tự so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Bộ giáo dục đang đề xuất với chúng tôi là thiếu 11 ngàn phòng học bộ môn. Nếu không có phòng học bộ môn thì không thể triển khai thiết bị trợ giảng được nhưng thực tế chúng ta đang đi ngược lại điều là học sinh đang học cố định ở các phòng học truyền thống và chúng ta cứ đòi hỏi nhà nước đầu tư thêm phòng học bộ môn. Thiết bị trợ giảng chúng ta đang bắt giáo viên bê thiết bị trợ giảng từ phòng học này sang phòng học khác tức là cái phòng bộ môn không có, và thiết bị trợ giảng không ở phòng cố định nào cả.

Những vấn đề đặt ra khi triển khai đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông - ảnh 1
Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh Ngô Thị Minh phát biểu ý kiến.


Ở Phần Lan người ta có 26 phòng học, có 23 tập thể học sinh, nhưng trong 26 phòng học này người ta dành 19 phòng làm phòng bộ môn. Học sinh di chuyển đến 19 phòng học bộ môn này theo thời khóa biểu. Ở Việt Nam, học sinh ngồi cố định ở một phòng học và cứ đòi hỏi xây tiếp phòng bộ môn là không phù hợp. Và muốn để đổi mới được phương pháp, phải nhanh chóng giảm sĩ số học sinh trong mỗi lớp học lại. Và chúng ta chưa có thể chế cụ thể hóa ra để làm sao cho các trường ngoài công lập chất lượng cao họ cạnh tranh, phát triển với các trường công lập của chúng ta. Trong đề án của chúng ta chưa nhấn mạnh đến xã hội hóa, biên soạn sách giáo khoa và thiết kế chương trình. Chúng ta vẫn phải có công đoạn không thể thiếu được đó là đổi mới phương pháp, tổ chức giờ học.

Phóng viên:  Từ trước tới nay, có rất nhiều điều phải bàn luận về chương trình giáo dục và sách giáo khoa. Ví dụ như sách giáo khoa thay đổi thường xuyên, phụ huynh phàn nàn vì quá nhiều loại sách tham khảo và cả về chính sách cho giáo viên. Đề án lần này có khắc phục được tình trạng như vừa nêu không, thưa bà?

Bà Ngô Thị Minh: Tôi nghĩ rằng, việc khắc phục này cần phải thực hiện. Cũng có trình ra trong đề án chúng ta thấy là 1 chương trình nhưng nhiều bộ sách giáo khoa. Vấn đề trong giai đoạn vừa qua thì là nhiều bộ sách tham khảo. Cái chính vẫn là sự quản lý nhà nước của chúng ta, quản lý của ngành trong vấn đề này. Khi mà nhiều bộ sách giáo khoa chúng ta phải quản lý được, vừa phần tạo điều kiện cho những nhà khoa học, những người có chuyên môn sâu người ta có thể phát huy sáng tạo. Tuy nhiên, nếu không quản lý được, thì cơ chế thị trường, vấn đề thương mại, ai là người quyết định chọn bộ sách đó, thế rồi cái việc là giám đốc sở lựa chọn bộ sách đó hay là hiệu trưởng lựa chọn, hay là vấn đề tiếp thị của các đối tượng muốn được tiêu thụ sách này như thế nào? Bộ sách giao khoa nếu ngành giáo dục chỉ đạo biên soạn nhưng mà đến khi các nơi họ không sử dụng bộ sách do nhà nước bỏ tiền ra thì nó là thế nào. Tất cả những vấn đề đó đặt ra trong quá trình tổ chức thực hiện. Để thực hiện được điều này thì chính sách giáo viên, cũng là 1 điều không kém quan trọng,. Và chính sách giáo viên cần phải nhấn mạnh hơn trong đề án này. Tôi ví dụ như chính sách giáo viên thì coi giáo viên ngoài công lập và công lập phải có sự cư xử bình đẳng, công bằng và ta suy nghĩ như vậy, xuất phát từ mục tiêu vì sự nghiệp trồng người và vì nguồn nhân lực của đất nước.

Phóng viên:  Với vai trò của mình, Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng của quốc hội sẽ tham gia giám sát việc thực hiện đề án như thế nào?

Bà Ngô Thị Minh: Cơ chế giám sát tôi nghĩ là khi có nghị quyết mà nghị quyết này đưa ra phải trên cơ sở những nét cơ bản của đề án.  Và sau đó, chúng tôi sẽ bám theo nghị quyết để giám sát. Giám sát ở đây không phải chỉ có Ủy ban giám sát,  mà các cơ quan dân cử ở các địa phương, chúng ta cũng phải tập trung chúng ta giám sát, về nội dung này. Vì trong lĩnh vực giáo dục, rất rộng, nhiều vấn đề và cũng có nhiều Nghị quyết của Quốc hội. Cho nên để hiệu quả trước hết Chính phủ phải chỉ đạo tổ chức thực hiện. Chính phủ cũng phải chủ động kiểm tra, giám sát việc thực hiện của ngành chức năng. Đó là ngành giáo dục, phối hợp với các địa phương như thế nào?

Phóng viên:  Xin cảm ơn bà

Phản hồi

Các tin/bài khác